- Cả nước hiện có khoảng 2.000 ha mắc ca và đang có nhiều ý kiến muốn mở rộng. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào và trở ngại lớn nhất là gì?
- Trong 2.000 ha mắc ca hiện nay, 1.600 ha là tại Tây Nguyên, số còn lại ở khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên, đây là số liệu từ các đơn vị báo cáo. Do mắc ca chưa là đối tượng cây trồng chính nên khả năng số lượng diện tích có dao động. Nếu tính theo mật độ 350 cây trên mỗi ha từ cơ sở sản xuất giống chính thống, tức là có cây đầu dòng, tôi thấy vấn đề là năng lực sản xuất giống hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 1.000 ha. Điều đó lý giải sau 10 năm diện tích mắc ca của Việt Nam vẫn khá ổn định.
Phải khẳng định rằng làm mắc ca, khâu chọn giống được xác định là then chốt. Sản xuất cây ăn quả, nếu trồng bằng giống thực sinh (gieo hạt) năng suất, sản lượng sẽ kém hơn dùng giống ghép hoặc chiết. Mắc ca được xem là cây ăn quả dài ngày, do vậy, nếu trồng giống được gieo từ hạt thì mức độ thích ứng sẽ rất kém so với phương pháp ghép và chiết, chưa kể khả năng ra quả thấp. Điều này buộc các cơ sở làm giống phải có vườn cây đầu dòng, từ đó truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Dù Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ vườn cây đầu dòng, song thực tế giữa giống thực sinh và giống ghép rất khó nhận biết.
- Vậy thực tế đến nay Việt Nam có bao nhiêu loại giống hoặc cây đầu dòng đủ chất lượng?
- Hiện nay chỉ có 10 giống được Bộ công nhận đảm bảo chất lượng. Còn số lượng cây đầu dòng nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc, Hawaii và một số nước khác, gần như cơ quan quản lý không thể kiểm soát, do vậy chưa có số liệu cụ thể. Tới đây tôi hy vọng Bộ sẽ thống kê số lượng chính xác cơ sở có vườn cây đầu dòng, từ đó mới đưa ra con số cụ thể cây có chất lượng để có biện pháp quản lý giống tốt hơn.
Qua tìm hiểu năng lực của các cơ sở sản xuất giống, tôi thấy trong 2.000 ha thì giống thực sinh đang nhiều hơn giống ghép. Mục tiêu chúng ta đưa ra là phát triển mắc ca bền vững, nếu tình trạng này diễn ra, không lâu nữa sẽ có rất nhiều hộ phải nhổ bỏ để trồng cây khác. Do vậy, tôi nghĩ rằng các nhà bán giống cần có trách nhiệm với người mua cho đến khi cây ra hạt nhằm tránh rủi ro.
- Không ít hộ nông dân mở rộng diện tích mắc ca theo kiểu tự phát vì nghĩ dễ trồng, ông khuyến cáo gì về điều này?
- Do bản chất là cây hoang dại nên khả năng thích ứng điều kiện ngoại cảnh rất cao. Trồng mắc ca thì dễ nhưng quan trọng phải cho năng suất ít nhất 1,5 tấn quả mỗi ha. Muốn vậy, ngoài quản lý khâu giống thì vùng sinh thái để trồng cũng cần lưu ý.
Có một thực tế đã diễn ra là kể cả tại các vùng có điều kiện phù hợp nhưng tôi không dám chắc sử dụng nhiều giống chất lượng để trồng cây có thể đậu quả nhiều. Sẽ có giống thích nghi, nhưng cũng có giống không hợp. Do đó, chất lượng giống phải phù hợp với từng vùng sinh thái chứ không phải cứ mua giống ghép đưa vào vùng trồng phù hợp đều sẽ ra quả.
Nhiều người cũng cho rằng nên hoàn thành việc nghiên cứu về mắc ca xong thì mới phát triển thị trường, nhưng tôi không nghĩ vậy. Thị trường hàng hóa sẽ không có nếu không mạnh dạn đầu tư; nông dân sẽ mất đi cơ hội có thu nhập cao. Nhưng đầu tư phát triển phải gắn với sản xuất, thu mua chế biến và tiêu thụ.
- Vừa qua doanh nghiệp đề xuất trồng 200.000 ha, song Bộ Nông nghiệp chỉ cho phép trồng thử nghiệm 10.000 ha từ nay đến năm 2020. Theo ông, điều này ảnh hưởng thế nào đến tốc độ phát triển mắc ca thời gian tới?
- Đến thời điểm này tôi khẳng định chưa có quy hoạch chính thức từ cơ quan thẩm quyền phê duyệt mắc ca. Tại văn bản của Bộ cũng khẳng định vẫn chưa đủ số liệu cần thiết để hoàn chỉnh quy hoạch. Cho nên, khi nói đến con số 10.000 ha, 100.000 ha hay 200.000 ha thì đó mới chỉ dừng ở ý tưởng trao đổi chứ không phải là quyết định cuối cùng. Do vậy, không nên quá băn khoăn về diện tích trồng mới, điều cần quan tâm nhất sau 3-5 năm tới sản lượng cây như thế nào, chất lượng ra sao, liệu có phải nhổ lên để trồng cây khác hay không ?
Hiện tại trên thế giới chỉ có khoảng hơn 10 quốc gia có điều kiện trồng phù hợp, trong đó Mỹ, Australia, Nam Phi và Kenya đang dẫn đầu về diện tích. Song hơn 10 năm qua họ không hề mở rộng thêm diện tích. Không phải các nước này không muốn đẩy mạnh trồng mắc ca, mà vì không phải vùng đất nào của họ cũng trồng được. Do vậy, họ tập trung vào việc nâng cao năng suất chất lượng hạt thay vì mở rộng thêm diện tích. Điều này là một lợi thế đối với Việt Nam khi chúng ta đang trong giai đoạn bắt đầu cho ngành công nghiệp non trẻ này. Hiện còn nhiều diện tích phù hợp để trồng và phát triển mắc ca chưa được khai thác.
- Theo ông cần phải làm gì để Việt Nam có một thị trường mắc ca thực sự?
- Rõ ràng là chúng ta chưa thể có sản lượng tốt trong vòng 5 năm tới. Do đó, chỉ nên hình thành các mô hình bảo quản quy mô nông hộ để giúp người dân bảo quản hạt mắc ca đúng cách và dần quen với quy trình lớn hơn sau này. Trong giai đoạn đầu phát triển, Việt Nam nên tập trung vào các khâu đầu của chuỗi giá trị như: giống, kỹ thuật chăm sóc cây để phổ biến cho người làm trực tiếp.
Việt Nam đã chuyển sang nền sản xuất hàng hóa thay vì tự cung tự cấp như trước, từ số lượng sang chất lượng do vậy rất cần sự tham gia của doanh nghiệp từ khâu đầu vào đến việc bao tiêu cung ứng. Đây là điều quan trọng và được xem là yếu tố bền vững của bất kỳ cây trồng nào. Với người nông dân, để tránh rủi ro cần sử dụng giống tại các cơ sở sản xuất đã được cơ quan quản lý cấp giấy phép vườn cây đầu dòng.
Thành Tâm