Trong bảng xếp hạng công bố hôm 22/6, có 6 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam góp mặt. Trường Đại học Tôn Đức Thắng lần thứ hai liên tiếp lọt vào top 100 châu Á nhưng đã giảm 7 bậc so với năm ngoái.
Đại học Huế là cái tên mới của bảng xếp hạng năm nay với vị trí 601+. Trong khi đó, Đại học Đà Nẵng thuộc nhóm được báo cáo năm ngoái đã không xuất hiện trong bảng xếp hạng 2023.
Bốn trường còn lại đều quen thuộc. Trường Đại học Duy Tân giữ vị trí 106, giảm 15 bậc, bị bật khỏi top 100. Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp hạng 351-400, hai Đại học Bách khoa Hà Nội, TP HCM đồng hạng 501-600.
Các tiêu chí xếp hạng đại học châu Á của THE thuộc năm nhóm: giảng dạy (25%), nghiên cứu (30%), trích dẫn (30%), thu nhập từ chuyển giao tri thức và công nghệ (7,5%) và triển vọng quốc tế (7,5%).
Với cách đánh giá này, những trường có thế mạnh về nghiên cứu sẽ có lợi thế. Trường Đại học Tôn Đức Thắng 99,2/100 điểm ở tiêu chí trích dẫn, còn trường Đại học Duy Tân đạt tuyệt đối. Song, hai trường này đạt điểm khá thấp ở nhóm giảng dạy, chỉ 16-17.
Đứng đầu nhóm tiêu chỉ giảng dạy là Đại học Quốc gia Hà Nội với 21,7 điểm. Đại học Bách khoa Hà Nội dẫn đầu nhóm thu nhập từ chuyển giao tri thức và công nghệ với 43,5 điểm.
Bảng xếp hạng đại học tốt nhất châu Á năm nay có 669 trường đến từ 31 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh của Trung Quốc lần thứ tư liên tiếp ở hai vị trí dẫn đầu. Tính riêng top 10, Trung Quốc có tới bốn đại diện, còn lại của Hong Kong, Singapore, Nhật Bản. Nhật Bản cũng là quốc gia có nhiều đại diện góp mặt trong bảng xếp hạng nhất với 117 trường.
THE là một trong ba tổ chức xếp hạng đại học có uy tín và ảnh hưởng lớn nhất thế giới, bên cạnh bảng xếp hạng của QS và Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc). Tổ chức này bắt đầu xếp hạng các đại học thế giới vào năm 2004.
Thanh Hằng