- Lần đầu làm cố vấn thời trang cho một chương trình truyền hình thực tế tại Việt Nam - "Project Runway", ông nhận xét gì về thực lực của các nhà thiết kế trẻ?
- Quả thực, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ nhận lời làm giám khảo khách mời hay cố vấn thời trang cho bất kỳ phiên bản Project Runway nào trên thế giới. Tuy nhiên, khi gặp nhà sản xuất phiên bản Việt Nam, tôi nhận thấy đây là một thị trường thời trang tuy còn non trẻ nhưng năng động và nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển. Và các nhà thiết kế trẻ đã không làm tôi thất vọng.
Các bạn làm tôi nhớ đến sinh viên trong học viện chúng tôi bởi họ cũng đang học hỏi, hoàn thiện dần các kỹ năng. Chỉ có điều, các bạn thiệt thòi hơn vì chưa có nền tảng thật sự vững chắc. Nhưng bù lại, tôi cảm nhận được sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm và ham học hỏi của các bạn. Các bạn chính là người sẽ tạo nên xu hướng thời trang trong tương lai.
- Ông dự đoán ai sẽ trở thành quán quân và mong chờ điều gì ở họ?
- Tất cả thí sinh đều để lại ấn tượng cho tôi, nhưng người làm tôi chú ý nhất là chàng trai nhỏ tuổi Lý Giám Tiền. Câu chuyện của cậu ấy có thể truyền cảm hứng cho nhiều người bởi Tiền không hề trải qua một trường lớp thời trang nào nhưng đã tự tích lũy, học hỏi và có kỹ thuật cắt may tốt. Cậu ấy cũng là người có thiên hướng thời trang và sự sáng tạo thiên bẩm. Tất nhiên, mọi thứ có thể thay đổi vào phút chót, vì đây chính là điều kỳ diệu của sự sáng tạo. Nhưng việc cậu ấy lọt vào top 3 thì tôi hoàn toàn không bất ngờ.
Sắp tới, người sáng lập đồng thời là hiệu trưởng học viện Atelier Chardon Savard, bà Dominique Chardon Savard sẽ có mặt trong đêm chung kết để tìm ra chủ nhân xứng đáng cho danh hiệu quán quân. Chúng tôi muốn đó là người có tư duy rộng mở, sẵn sàng đón nhận cái mới, có khả năng nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt là tiếng Pháp bởi nước Pháp là cái nôi của thời trang thế giới.
- So với một số cuộc thi cùng lĩnh vực, những thử thách Project Runway đưa ra cho thí sinh thường bị cho là thiếu tính thực tế. Ông nghĩ sao?
- Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu bạn giới hạn chủ đề, chất liệu và yêu cầu cho một bộ trang phục mới. Một nhà thiết kế cần thử sức với nhiều chủ đề, loại nguyên liệu để có lựa chọn đa dạng trước khi làm ra sản phẩm mong muốn. Điều này cho phép họ phát huy tối đa tính sáng tạo và thoát khỏi giới hạn trong đầu.
Một số người xem thiết kế trên sàn diễn sẽ hỏi liệu chúng có thể mặc được không? Nhưng tính ứng dụng không phải là tiêu chí duy nhất và cuối cùng để đánh giá mức độ thành công của một nhà mốt. Bởi vai trò của nhà thiết kế không phải là để làm ra những thứ có thể mặc được và dễ dàng được mọi người chấp nhận. Thợ may cũng làm được điều đó. Với tôi, nhiệm vụ cao cả nhất của nhà thiết kế là thay đổi cách nhìn của thế giới thông qua tác phẩm của mình. Vì vậy, tôi trân trọng và đánh giá cao nỗ lực của thí sinh cùng nhà sản xuất trong cố gắng truyền tải thông điệp cá nhân, dù nó có thể chưa hoàn hảo.
- Theo ông, các nhà thiết kế Việt còn thiếu những yếu tố nào để chiếm được lòng tin của khách hàng?
- Nhiệm vụ của một nhà thiết kế không đơn giản là tạo ra bộ sưu tập đẹp mà còn quảng bá, truyền thông để nó trở thành xu hướng được mọi người nhớ đến. Khi đã được tin tưởng và trân trọng, bạn có thể dùng tiếng nói của mình để thay đổi quan điểm của khách hàng.
Đừng nghĩ chỉ cần giỏi là mọi người sẽ biết và tôn vinh bạn. Thời trang không chỉ là quần áo, nó là một nền công nghiệp với nhiều mắt xích liên quan đến nhau, thiết kế chỉ là một phần trong đó. Ở châu Âu, nhà thiết kế không chỉ được học về chuyên môn mà về mọi thứ gì liên quan đến kinh doanh thời trang. Nhà tạo mẫu thường cũng là người làm chủ hoặc giám đốc sáng tạo của một thương hiệu, vì thế, có vô vàn thứ cần học: thiết kế, trưng bày cửa hàng, cách quản lý, thiết lập mối quan hệ với khách VIP và truyền thông, cách tổ chức giới thiệu bộ sưu tập... Nếu thiếu bất kỳ kỹ năng nào, bạn cũng có thể thất bại. Vì vậy, việc học hỏi, tiếp thu kiến thức mới không bao giờ là thừa.
- Ông nhắc đến một hạn chế lớn trong làng mốt Việt Nam cũng như châu Á là sự sáng tạo. Hạn chế này xuất phát từ đâu, theo ông?
- Sáng tạo trong nghệ thuật hay trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần có quy luật. Một trong số đó là không được sao chép. Quy luật này áp dụng trong ngành thiết kế thời trang và mọi lĩnh vực khác.
Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia châu Á khác cũng bỏ qua vấn đề này. Tôi lấy ví dụ, 10 năm trước, chúng ta có thể mua ở Hàn Quốc nhiều phụ kiện và quần áo nhái hàng hiệu với giá rẻ. Điều này thay đổi khi quốc gia này có những chính sách bảo vệ bản quyền về các sản phẩm thời trang. Ngay lập tức, thương hiệu trong nước có cơ hội vươn lên mạnh mẽ. Hiện tại, Hàn Quốc là một trong những kinh đô thời trang của châu Á.
Việt Nam chưa có một nền công nghiệp thời trang thật sự, những gì thế giới nhớ đến các bạn mới dừng lại ở các nhãn mác "made in Vietnam", biểu trưng của việc may gia công cho các thương hiệu quốc tế. Chính điều này có thể hình thành nên tâm lý quen với sự bắt chước. Nhưng những tranh cãi, phản bác trong thời gian gần đây là một dấu hiệu khá lạc quan cho tương lai phát triển của thời trang. Nếu bạn không bảo vệ sự sáng tạo của người khác và của chính mình, một ngày không xa, nó sẽ dần mờ nhạt và biến mất.
- Làm thế nào để thay đổi thói quen bắt chước nếu người tiêu dùng không chấp nhận cái mới?
- Thị trường thời trang Việt Nam đang trên đà phát triển nhưng chưa thật rực rỡ. Đó là điểm mà các nhà thiết kế nên chú ý. Hơn nữa, có ít cuộc thi về thời trang ở Việt Nam được làm theo quy mô chuyên nghiệp để nhà thiết kế trẻ và người mẫu cọ xát. Các buyers (đơn vị mua sỉ), người tiêu dùng trong nước cũng thường đánh giá thời trang dựa trên mắt thẩm mỹ cá nhân. Ở một chừng mực nào đó thì họ thiếu kiến thức nhất định về lĩnh vực này. Điều đó rất quan trọng, vì khi họ hiểu về thời trang, họ sẽ giúp các nhà mốt làm tốt và làm đúng vai trò của mình hơn.
Tôi nghĩ các bạn nên có những Vietnam Fashion Week đúng chuẩn để nhà thiết kế trong nước làm quen với cách sáng tạo, làm việc trước nay ở các kinh đô thời trang như Paris, Milan, New York, London. Nếu các nhà thiết kế cứ đi theo xu hướng, thì họ sẽ không bao giờ tự tạo ra xu hướng của chính mình. Tương tự như vậy với người tiêu dùng, nếu không thuyết phục họ, họ sẽ không thể ngày một ngày hai mà mua những sáng tạo của bạn.
- Vai trò của đào tạo thời trang trong việc hạn chế tình trạng ăn cắp bản quyền ở châu Âu thế nào?
- Paris là nơi lý tưởng cho giáo dục nghệ thuật ứng dụng. Không nơi nào trên thế giới, cũng như ở châu Âu mà sự sáng tạo được đề cao, bảo vệ và trân trọng như ở Paris. Hơn 150 năm nay, thời trang cao cấp tại đây tồn tại theo một cấu trúc bền vững, sau khi nếm trải đủ những thử thách, biến cố về lịch sử và cả các khủng hoảng tài chính triền miên.
Tại Pháp, đặc biệt ở Paris, đào tạo thời trang thân thuộc như hơi thở. Những ai được nuôi dạy ở Paris, đều có một kiến thức cơ bản về thời trang. Các học viện thời trang được mở ra từ hàng trăm năm trước. Những ngôi trường này, thông qua phương pháp dạy học của mình, muốn khẳng định sự sáng tạo có thể được dạy và tiếp thu. London cũng nổi tiếng trong việc ươm mầm tài năng thiết kế trẻ, trong khi Milan gắn với thực tiễn và những yêu cầu khắt khe của nền công nghiệp để cho ra đời các sản phẩm mang tính ứng dụng nhưng đậm chất thời trang.
Vân An thực hiện