Hơn một trăm độc giả cùng nhiều nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa... đưa ra ý kiến quanh thực trạng "lười đọc", "đọc ít" và "đọc theo phong trào" của nhiều người Việt Nam hiện nay, khiến cho cuộc hội thảo Người Việt có mê đọc sách? diễn ra sôi nổi và "nóng" trong suốt gần 3 giờ tranh luận.
Cuộc hội thảo ngày 15/3 thu hút đông đảo nhà văn, nhà nghiên cứu và bạn đọc tham dự với nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi. Trong ảnh là tiến sĩ Ngô Tự Lập (áo đen, hàng trên), nhà văn Lý Lan (áo đen), nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (hàng dưới)... Ảnh: Anh Vân. |
Trái với hình ảnh lạc quan của các siêu thị sách to lớn đang ngày càng nở rộ, và một hình ảnh sống động là Hội sách TP HCM lần 5 đang diễn ra, thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia với sức mua sách tăng lên từng giờ, nhiều ý kiến tại hội thảo vẫn cho rằng, tình trạng đọc sách của người Việt Nam đang suy thoái, thậm chí có nguy cơ khủng hoảng.
Tiến sĩ - nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Xanh nêu lên một so sánh khá ấn tượng: Ngay trong thời Minh Trị của Nhật Bản, cuốn sách khó như Bàn về tự do của John Stuart Mill cách đây gần 3 thế kỷ đã được dịch và in đến 2 triệu bản khi dân số Nhật chỉ có 36 triệu người. Hay nước Pháp, trong năm 2006 người dân đã mua đến 494 triệu cuốn sách (trung bình mỗi người dân mua 8 cuốn sách).
Rõ ràng, các nước trên đã hình thành một xã hội đọc sách rất toàn diện và đồng đều. Nhưng ngay ở thế kỷ 21 này, cuốn sách tương tự được dịch ra tiếng Việt chỉ được vài nghìn quyển, trên tổng số dân hơn 80 triệu người.
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, Giám đốc NXB Trẻ, cho rằng, người Việt chỉ ở mức độ thích sách chứ chưa bị cuốn hút bởi sách vở. Bà nêu ra con số từ báo cáo tổng kết hoạt động xuất bản năm 2007 của Cục Xuất bản cho thấy, trong nước mỗi năm phát hành gần 27.000 đầu sách, với số lượng trên 276 triệu bản in. Đây là số liệu chính thống. Còn sách in, photocopy "ngoài luồng" thì hơn rất nhiều. "Tính ra thì xấp xỉ mỗi người có 4-6 cuốn sách. Đây là một con số rất có ý nghĩa trong điều kiện một nước còn nghèo như Việt Nam", tiến sĩ Thu Nguyệt phân tích.
Ban chủ tọa của cuộc hội thảo, trong đó có ông Chu Hảo (Giám đốc NXB Tri Thức, ngoài cùng bên trái), bà Quách Thu Nguyệt (Giám đốc NXB Trẻ)... Ảnh: Anh Vân. |
Thế nhưng, đào sâu hơn vào bản chất của văn hóa đọc, các diễn giả chỉ ra, người Việt chỉ đọc sách khi cần tra cứu, tìm kiếm một tư liệu gì, nghe giới thiệu sách mới thì tìm mua để đọc... Còn đọc sách như một thói quen, một nhu cầu thường xuyên tự thân và có phương pháp, có hệ thống thì chưa.
Thế giới sách vở còn quá xa lạ với người Việt Nam nói chung, ngoại trừ một bộ phận người đọc nhất định. Trong nước còn thiếu hẳn hình ảnh người đọc sách tại các bến phà, bến xe, nhà ga. Song song đó còn có tình trạng đọc nhiều, đọc tràn lan nhưng chưa có hệ thống, chọn lọc và thiết thực.
"Làm sao để mọi tầng lớp người dân không thờ ơ với sách hay?" còn là một bài toán xã hội nan giải của Việt Nam. Ảnh: Anh Vân. |
Bên cạnh những nguyên nhân được nhắc đi nhắc lại khá nhiều khi nói về văn hóa đọc Việt Nam như: sách đang bị cạnh tranh khốc liệt với rất nhiều loại hình giải trí khác, giá sách còn quá đắt..., tiến sĩ Ngô Tự Lập, ĐH Quốc gia Hà Nội, khẳng định, muốn đọc sách thì phải có sách để đọc nhưng hiện nay các thư viện ở Việt Nam còn hết sức nghèo nàn. Thêm vào đó, chưa có nhiều sách hay cho độc giả chọn lọc.
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cũng đồng tình với ý kiến này khi cho rằng đến đầu thế kỷ 21, trong hoạt động văn hóa chung của người Việt Nam, thư viện là hoạt động kém cỏi và lạc hậu bậc nhất. Cần cải tiến toàn diện hệ thống thư viện tại các nhà trường và trên toàn quốc là ý kiến được nhiều nhà giáo dục nêu ra tại hội thảo.
Ông Phạm Xuân Thạch, giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, nêu ý kiến nên thành lập một tổ chức phi chính phủ về sách tại Việt Nam, bao gồm cả một quỹ phát triển về văn hóa đọc, thường xuyên tổ chức các buổi quảng bá lợi ích của việc đến với sách, tổ chức tặng ấn phẩm hay cho các thư viện, đại học, đưa sách đến với những vùng khó khăn...
Hội thảo kết thúc nhưng câu hỏi "Đến bao giờ Việt Nam hình thành một xã hội đọc sách lan tỏa và sâu rộng?" vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Cần tạo dựng thói quen đọc sách cho trẻ thơ để gây dựng một lớp độc giả trung thành với sách trong tương lai. Cần dấy lên trong lòng mọi người, mọi giới mê say đọc sách để bước chắc chắn trên đường đời trong một thế giới hội nhập. Đó là những tâm tư mà người yêu sách tại hội thảo gửi gắm.
Người Việt có mê đọc sách là hội thảo về văn hóa đọc lần đầu tiên được SachHay.com tổ chức. SachHay.com là một dự án giáo dục - xã hội do hơn 50 nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, doanh nhân Việt Nam... cùng Công ty PACE phối hợp xây dựng, với tôn chỉ "Tinh thần Việt Nam - Tinh hoa thế giới" nhằm khuyến khích, xây dựng văn hóa đọc sâu rộng. Trang web www.sachhay.com ra mắt ngày 14/3. Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE - một thành viên sáng lập của SachHay.com, bày tỏ mong mỏi: "Việt Nam có những ngày Tết vật chất, Tết tinh thần... tại sao không có một ngày Tết trí tuệ, tương tự như Ngày tôn vinh đọc sách của thế giới (23/4)? Tôi rất hy vọng trong thời gian không xa, Việt Nam sẽ có một ngày Tết đọc sách với không khí tràn ngập của tri thức". |
Anh Vân