Theo báo cáo từ Kaspersky Lab, Việt Nam nằm trong nhóm ba nước hàng đầu chịu ảnh hưởng về các cuộc tấn công nhắm vào những thiết bị Internet of Things (IoT) khi chiếm tỷ lệ tới 15% số lượng các cuộc tấn công trên quy mô toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc (17%) nhưng cao hơn khá nhiều so với Nga (8%).
Các thiết bị thông minh kết nối mạng IoT như đồng hồ, TV, router, hay camera an ninh... ngày càng phổ biến khiến chúng đang trở thành mục tiêu hấp dẫn với tội phạm mạng. Số lượng thiết bị IoT đang sử dụng trên toàn cầu hiện nay được ước tính lên tới hơn 6 tỷ.
Kaspersky cho biết, tổng số mẫu phần mềm độc hại nhắm đến các thiết bị thông minh được họ phát hiện đã lên tới hơn 7.000, trong đó hơn một nửa xuất hiện chỉ trong 2017. Hầu hết các cuộc tấn công nhắm vào máy ghi hình kỹ thuật số hoặc máy quay IP (63%), và 20% là vào các thiết bị mạng, gồm router, modem DSL ... Khoảng 1% mục tiêu là các thiết bị quen thuộc nhất của người dùng như máy in và thiết bị gia đình thông minh khác.
Sau khi xâm nhập thành công, tội phạm có thể theo dõi người dùng, tống tiền và thậm chí âm thầm biến thiết bị lây nhiễm trở thành các công cụ tấn công mạng (bonet) như Mirai và Hajim.
Theo các chuyên gia bảo mật, để đảm bảo an toàn cho thiết bị thông minh kết nối mạng IoT khỏi những cuộc tấn công, người dùng nên hạn chế truy cập từ mạng bên ngoài nếu thấy không cần thiết hoặc tắt tất cả các dịch vụ mạng trong trường hợp không sử dụng đến thiết bị. Bên cạnh đó, trước khi sử dụng thiết bị mới, bắt buộc phải thay đổi mật khẩu mặc định và thiết lập mật khẩu khác. Thường xuyên cập nhật phần mềm của thiết bị lên phiên bản mới nhất cũng là một cách để phòng ngừa các cuộc tấn công.
Với một số thiết bị đặc biệt có mật khẩu, tài khoản tiêu chuẩn hoặc không thể thay đổi, huỷ kích hoạt thì nên vô hiệu hoá các dịch vụ mạng mà chúng sử dụng hoặc đóng truy cập vào mạng bên ngoài.