Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử. Như vậy, với Đề án này, các hình thức tiền ảo như bitcoin sẽ được Việt Nam cân nhắc chỉnh sửa khung pháp lý để có hình thức quản lý phù hợp.
Theo Đề án, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì và phối hợp cùng một số Bộ, ban ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính... rà soát lại khung pháp lý hiện tại và đánh giá toàn diện về thực trạng nhằm đề xuất Chính phủ có hướng xử lý cũng như sửa đổi pháp luật về tiền điện tử cho phù hợp.
Đề án nêu rõ báo cáo đánh giá thực trạng để sửa đổi khung pháp lý cần hoàn thành trước tháng 8/2018 và đến cuối năm 2018 phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo. Đồng thời, đến tháng 6/2019 cần xong hồ sơ đề nghị xây dựng khung pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo. Ngoài ra, những đề xuất để phòng, chống xử lý các vi phạm liên quan đến loại hình tiền tệ này cũng được Chính phủ giao hoàn thành trước tháng 9/2019.
Đề án cũng nêu rõ quan điểm cần xây dựng thể chế để bảo vệ quyền sở hữu tài sản của Việt Nam nhằm giải quyết thực tiễn tất yếu đang tồn tại và sẽ diễn ra. Đề án sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cụ thể hoá các chế định về quyền tài sản trong Bộ Luật Dân sự năm 2015.
Đề án nghiên cứu quản lý tiền ảo này được ban hành, theo nhiều chuyên gia, đặc biệt trong giới ngân hàng và Fintech, thể hiện sự cầu thị của Chính phủ Việt Nam với vấn đề về tiền ảo, tiền điện tử trong xu thế của toàn cầu. Đây cũng là cơ sở cho thấy những loại tiền ảo như bitcoin sẽ được công nhận chính thức ở Việt Nam sau khi hoàn thiện hành lang pháp lý.