Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến giữa tháng 12, Việt Nam đã chi hơn 7,6 tỷ USD nhập khẩu 17,65 triệu tấn sắt, thép các loại. Hải quan cũng ước tính cả năm 2016, tổng lượng nhập khẩu thép đạt hơn 18,4 triệu tấn, tăng khoảng 19% so với năm 2015.
Ngoài ra, nhập khẩu nhóm sản phẩm từ sắt, thép cũng tăng mạnh, đạt 2,8 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch nhập khẩu các nhóm mặt hàng sắt thép đã vượt 10,4 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam chỉ thu về khoảng 3,7 tỷ USD từ xuất khẩu, khiến nhập siêu nhóm hàng này là 6,7 tỷ USD.
Trung Quốc hiện là nước dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu thép vào Việt Nam với gần 10 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ. Tiếp đến là các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc... lượng nhập khẩu cũng đều tăng.
Năm 2015, Việt Nam cũng đã nhập khẩu gần 19 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm, với tổng kim ngạch nhập khẩu hơn 9 tỷ USD. Con số này cũng tăng hơn 20% so với năm trước đó.
Trước tình trạng nhập khẩu thép năm 2016, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã đưa ra dự báo, năm 2017, ngành sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu nguyên liệu từ các nước, đặc biệt là Trung Quốc. Một số sản phẩm thép như thép cuộn cán nóng chưa sản xuất được trong nước bắt buộc doanh nghiệp phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài.
Từ đầu tháng 8, khi Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, VSA gần đây cũng cho biết đang tồn tại hiện tượng lẩn tránh thuế tự vệ bằng cách khai chuyển mã số. Khi thay đổi mã của sản phẩm, doanh nghiệp chỉ bị áp thuế 3% thay vì mức thuế tự vệ 15,4-35,4% như quy định hiện hành.