Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng xăng dầu nhập khẩu trong tháng 7 đạt 651.000 tấn, tương đương 736 triệu USD. Sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng 5,4% so với tháng 6, nhưng về giá trị giảm 9,4% do giá trên thị trường thế giới hạ nhiệt.
Luỹ kế 7 tháng, Việt Nam nhập khẩu 5,4 triệu tấn xăng dầu các loại, tăng 14,5% so với cùng kỳ 2021. Trị giá các sản phẩm xăng dầu nhập về 7 tháng qua đạt 5,73 tỷ USD, tăng trên 3,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong nửa đầu tháng 8, sản lượng xăng dầu các loại được nhập về thêm 214.121 tấn. Như vậy, Việt Nam đã chi gần 6 tỷ USD để nhập 5,65 triệu tấn xăng dầu các loại tính tới 15/8, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái.
Dầu diesel là mặt hàng được các doanh nghiệp nhập về nhiều nhất, chiếm gần 60% sản lượng xăng dầu các loại, hơn 3,17 triệu tấn tới 15/8.
Về xuất khẩu, Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập xăng dầu các loại lớn nhất của Việt Nam, với 2,17 triệu tấn trong 7 tháng đầu năm nay, tăng 92%. Kế đến là Malaysia, Singapore với lượng nhập lần lượt 815.000 tấn và 753.000 tấn.
Thời gian qua, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới phải chống chọi với bão giá nhiên liệu. Cùng đó, việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất vào tháng 1 đã khiến thị trường thiếu hụt cục bộ. Bộ Công Thương sau đó phải yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng nhập khẩu khoảng 2,4 triệu m3 trong quý II, để bù đắp sản lượng thiếu hụt từ nhà máy này. Cơ quan này khẳng định hiện nguồn cung xăng dầu đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước
Từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã qua 21 kỳ điều chỉnh, trong đó 13 lần tăng, 7 lần giảm. Đầu tháng 7 đến nay, giá xăng dầu trong nước có 5 đợt giảm liên tiếp, đưa giá xăng trở lại ngưỡng ngang bằng hồi cuối năm ngoái và tháng 1 năm nay, tức trước thời điểm xảy ra xung đột Nga - Ukraine.
Hiện mỗi lít RON 95-III ở mức 24.660 đồng, E5 RON 92 là 23.720 đồng. Tuy nhiên, theo dự báo của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, ở kỳ điều hành giá ngày mai (22/8), giá mặt hàng này sẽ khó giảm sâu.