Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo, thu về khoảng 4,86 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử. Khối lượng gạo xuất khẩu tăng hơn 10% và giá trị tăng khoảng 23% so với năm trước.
Ngược lại, nhập khẩu gạo cũng tăng đột biến. Trong 10 tháng, các doanh nghiệp Việt chi gần 1,2 tỷ USD để nhập gạo, tăng 72,9% so với cùng kỳ. Riêng tháng 10, giá trị nhập khẩu đạt 148 triệu USD, tăng 225% so với tháng 10/2023.
Nguyên nhân khiến nhập khẩu gạo tăng mạnh là do nguồn cung từ Ấn Độ tăng trở lại, đáp ứng nhu cầu gạo cấp thấp trong nước khi Việt Nam đang ưu tiên sản xuất hàng chất lượng cao. "Việc nhập khẩu gạo cấp thấp để sản xuất là hợp lý", Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cho biết xu hướng canh tác trong nước thay đổi, khi nông dân chuyển sang trồng gạo thơm xuất khẩu, còn nhu cầu làm bún, phở chỉ cần gạo giá rẻ, độ nở tốt. Do đó, doanh nghiệp nhập loại gạo này để giảm chi phí đầu vào. Hiện, phần lớn gạo nhập về là gạo tấm giá rẻ từ Ấn Độ, Campuchia, Myanmar, Pakistan với giá thấp hơn trong nước.
"Ngoài việc đáp ứng nhu cầu sản xuất, một số công ty cũng nhập thêm gạo từ các nước láng giềng để kịp tiến độ đơn hàng cuối năm", một doanh nghiệp cho biết.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định nhập khẩu gạo không ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Việt Nam vẫn xuất khẩu hàng triệu tấn gạo mỗi năm và đều nhập gạo giá rẻ lên tới cả triệu tấn để đáp ứng đa dạng nhu cầu thị trường.
Việc Ấn Độ nới lỏng xuất khẩu đã khiến giá gạo thế giới giảm mạnh. Ngày 30/10, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 524 USD một tấn, trong khi Thái Lan và Pakistan lần lượt là 486 USD và 461 USD một tấn. Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ giảm sâu, còn 444 USD một tấn, thấp nhất trong top 4 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu.
Hiện giá các loại gạo 5%, 25% và 100% tấm của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan đều thấp hơn giá cùng loại của Việt Nam từ 6-72 USD một tấn.
Thi Hà