Phát biểu tại Tuần lễ Công trình xanh 2023 chiều 28/9, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Tường Văn nêu thống kê số lượng công trình xanh của Việt Nam đạt trên 300, bao gồm công trình văn phòng, trụ sở cơ quan đến khách sạn, trung tâm thương mại, trường học, nhà xưởng công nghiệp... được chứng nhận xanh.
"Số lượng công trình xanh dù đã tăng lên đáng kể sau mỗi năm, nhưng so với tổng số công trình được xây dựng hàng năm vẫn khá khiêm tốn", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trước đây, Bộ Xây dựng từng đưa ra thống kê, hàng năm cả nước có khoảng 60.000 công trình được cấp phép xây dựng. Như vậy, số lượng công trình xanh hiện chỉ tương đương 0,5% tổng công trình xây mới mỗi năm.
Công trình xanh được thiết kế và xây dựng theo tiêu chí tiết kiệm năng lượng và tài nguyên nước, sử dụng vật liệu bền vững, giảm xả khí thải ô nhiễm, cải thiện tiện nghi cho người sử dụng, đối phó hiểm họa khí hậu, hòa nhập cộng đồng... Vì vậy, các công trình này cũng cần phải sử dụng các nguyên vật liệu đầu vào phù hợp và đáp ứng tiêu chí giảm thải carbon ra môi trường.
Lý giải về thực trạng này, ông Nguyễn Tường Văn nói Việt Nam chưa có quy định bắt buộc áp dụng với công trình xanh. Việc phát triển công trình xanh được thực hiện theo hình thức tự nguyện, khuyến khích. Quan điểm chưa có quy định ràng buộc là trở ngại lớn cho việc nhân rộng công trình xanh cũng được các chuyên gia góp mặt trong hội thảo đồng tình.
Riêng TP HCM - địa phương đứng đầu cả nước với 67 công trình xanh - cũng phải kết hợp nhiều biện pháp mới có được kết quả trên. Trong đó, Phó chủ tịch UBND Bùi Xuân Cường nhấn mạnh thời gian qua, thành phố đã phải tăng cường kiểm tra việc tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong cấp phép xây dựng, phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế và kiểm tra nghiệm thu công trình.
Thực tế theo Arup - một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tư vấn môi trường xây dựng và thiết kế cơ sở hạ tầng, phần lớn công trình xanh trên thế giới đều khởi nguồn từ việc kết hợp giữa quy định bắt buộc của quốc gia sở tại và lộ trình phát triển của chính doanh nghiệp họ. Bên cạnh đó, yêu cầu từ thị trường về yếu tố xanh cũng là động lực quan trọng. Ngày nay nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đều yêu cầu đối tác của họ phải đạt những chứng chỉ xanh nhất định, trong đó gồm công trình xanh, mới đủ điều kiện hợp tác kinh doanh.
Ngoài quy định bắt buộc, các chính sách khen thưởng cho chủ đầu tư, doanh nghiệp thực hiện tốt việc xây dựng xanh cũng là một giải pháp. Các chuyên gia cũng gợi ý cần có chính sách hỗ trợ tín dụng xanh, ưu đãi về thuế và phí từ cơ quan Nhà nước hoặc xem xét thành lập quỹ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và công trình xanh.
Nói với VnExpress, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Trưởng bộ phận thiết kế bền vững Arup, cho rằng chính sách khen thưởng, khuyến khích là "điều hiển nhiên" để xanh hóa ngành xây dựng. "Khi Chính phủ và các cơ quan quản lý có chính sách hỗ trợ, kết hợp các chủ đầu tư và doanh nghiệp tự nhận thức được xu thế tất yếu, khoảng cách trong thị trường công trình xanh sẽ được rút ngắn", bà Phụng nói.
Ông Nguyễn Hồng Hải - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Xây dựng - cũng đồng tình về việc cần có chính sách khuyến khích để hướng đến mục tiêu đạt lượng công trình xanh như mong muốn. Ông gợi ý Việt Nam có thể học hỏi ở các nước phát triển, điển hình là việc đưa ra những khuyến khích hoặc yêu cầu bắt đầu từ những công trình công cộng, tương tự cách một số quốc gia châu Âu đã thực hiện.
Tất Đạt - Gia Khánh