Ngày 11/4, tại hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường đại học Việt Nam”, GS Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết có 16 bảng xếp hạng đại học có ảnh hưởng quốc tế, nổi tiếng là QS, THE hay ARWU.
Hiện Việt Nam mới xuất hiện trên bảng xếp hạng QS với vỏn vẹn 6 trường, trong đó 5 trường top 400 châu Á, gồm: Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP HCM, Cần Thơ, Huế, Bách khoa Hà Nội. Đại học Đà Nẵng xếp thứ 417.
“Chúng ta nên tự tin đặt mục tiêu đến năm 2020 có hơn 10 đại học vào nhóm 400 trường tốt nhất châu Á, 2-3 trường vào top 100 châu Á và hai trường trong top 1.000 thế giới. Xa hơn đến năm 2025, Việt Nam có thể có hai đại học vào top 500 thế giới", ông Đức nói.
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiều trường của Việt Nam có tiềm năng vào top 200 hay 400 châu Á do QS bình chọn, ví dụ Y Hà Nội, Sư phạm Hà Nội, Thái Nguyên, Nông nghiệp hay Bưu chính viễn thông. Nhưng thời gian qua, nhiều trường chưa quan tâm, hoặc quan tâm nhưng chưa bài bản, chuyên nghiệp khiến kết quả còn hạn chế.
Giải pháp nâng cao thứ hạng trên bảng xếp hạng quốc tế
Để đạt kết quả cao hơn trên QS - bảng xếp hạng được cho là phù hợp nhất với Việt Nam trong điều kiện hiện nay, ông Đức cho rằng các trường có tiềm năng cần mạnh dạn đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. QS đưa ra rất nhiều tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là đánh giá của nhà khoa học, nhà tuyển dụng, số bài báo được công bố quốc tế và số lượng trích dẫn. Vì vậy, các trường cần quan tâm đến các nhà tuyển dụng, nhà khoa học và tình hình hợp tác quốc tế.
Một thực trạng phổ biến được Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra là khi có mạng lưới nhà tuyển dụng và đối tác chiến lược, các trường chưa tổ chức được hội nghị với họ, không nghĩ rằng một lời đánh giá cao từ nhà tuyển dụng hơn nghìn lần việc trường tự tung hô để tuyển sinh. "Điều này chỉ ra rằng các trường cần chú trọng hoạt động marketing và nhận diện thương hiệu, đặc biệt thông qua các đối tác, nhà tuyển dụng", ông Đức nhận định.
Ngoài ra, các yếu tố như tỷ lệ giảng viên/sinh viên, tỷ lệ nghiên cứu sinh, số bài báo xuất bản trên tạp chí ISI, Scopus hay tỷ lệ sinh viên quốc tế cũng cần được cải thiện.
Ông Đức cho rằng Nhà nước và Bộ Giáo dục cần đầu tư cho một số hoạt động của đại học, đặc biệt là nghiên cứu khoa học. Ví dụ, Bộ Giáo dục nên làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ về việc quỹ Nafosted ưu tiên hỗ trợ các trường; hay khuyến khích trường kết hợp với viện nghiên cứu để những nhà nghiên cứu cơ bản giỏi có thể đóng góp vào công cuộc giảng dạy, nghiên cứu trong trường.
Việt Nam có nên xây dựng bảng xếp hạng riêng?
Theo ông Nguyễn Hữu Đức, Việt Nam rất cần có thước đo. Tuy nhiên, việc xếp hạng (ranking) chỉ nên dành cho nhóm trường tiềm năng. Hệ thống hơn 200 đại học Việt Nam nên áp dụng theo kiểu đánh giá (rating), sẽ có trường 5 sao, 4 sao hay 3 sao theo mô hình của QS Star mà hiện Đại học Tôn Đức Thắng hay Đại học FPT tham gia. Việc xếp hạng và đánh giá ở Việt Nam nên để một trung tâm nghiên cứu độc lập hoặc phối hợp với một thời báo trong nước.
“Xếp hạng không phải chỉ để nhận diện thương hiệu mà còn là chính sách để khảo sát tình hình của ngành giáo dục, từ đó có sự đầu tư phù hợp để nâng cao chất lượng”, ông Đức nói.
Ông Vũ Thế Dũng, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa TP HCM, nhận định việc xếp hạng quốc tế rất quan trọng, vì bản chất là hướng tới chất lượng các trường và Bộ Giáo dục cần khuyến khích trường tham gia. Việc xây dựng một bảng xếp hạng riêng cho Việt Nam khá hay những chưa phù hợp với hiện tại.
“Tôi e rằng khi tổ chức xếp hạng riêng, nguồn lực xã hội sẽ dồn nhiều vào chuyện đó và cũng lo lắng liệu các tổ chức xếp hạng (nếu có) ở Việt Nam có thực sự khách quan, không bị chính trị hóa để đưa ra kết quả chính xác không”, ông Dũng lý giải. Những năm tới, Việt Nam vẫn nên tập trung kiểm định các trường thay vì sớm nghĩ đến một bảng xếp hạng riêng.
Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đánh giá giáo dục đại học có vai trò quan trọng trong tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội. Một trong những giải pháp lớn là phải xếp hạng đại học một cách minh bạch, tiếp cận theo tiêu chuẩn quốc tế. Thời gian tới, các nhóm nghiên cứu cần tìm hiểu kỹ tiêu chí của bảng xếp hạng quốc tế để làm bộ tiêu chí xếp hạng ở Việt Nam.
"Trước hết, chúng ta cần xây dựng một bộ khung với các chỉ số đánh giá để các trường phải xoay vào xem mình đang ở đâu trong hơn 200 trường", ông Nhạ nói và cho biết bộ tiêu chí sẽ là định hướng để trường tự soi, tự sửa.
Người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất của xếp hạng đại học là nâng cao chất lượng, coi xếp hạng là thước đo, giải pháp thúc đẩy toàn diện chất lượng của một đại học.