Cao su, được ví như "vàng trắng", từng là cây trồng chủ lực phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, giá giảm sâu trong nhiều năm qua đã khiến diện tích trồng thu hẹp, nông dân chuyển đổi cây trồng khác. Hệ quả, Việt Nam phải tăng nhập khẩu nguyên liệu này trong hai năm gần đây.
Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 1,4 triệu tấn cao su, trị giá hơn 2,2 tỷ USD. Con số này tăng 8,9% về lượng và 30,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan. Điều này phản ánh sự thay đổi trong cán cân cung cầu khi nguồn cung trong nước sụt giảm đáng kể.
Campuchia là nhà cung cấp cao su lớn nhất cho Việt Nam với hơn 649.000 tấn, trị giá 802 triệu USD. Mặc dù lượng nhập khẩu giảm 7%, giá trị tăng 22%, đạt trung bình 1.235 USD một tấn, tăng 31% so với năm trước. Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt đứng thứ hai và ba, với trị giá 316 triệu USD và 261 triệu USD, giá bình quân từ 1.734 đến 1.962 USD một tấn.
Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng nhập khẩu là do người dân thu hẹp diện tích trồng cao su trong những năm gần đây, đặc biệt khi giá cả liên tục duy trì ở mức thấp. Biến đổi khí hậu cũng là một yếu tố tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng mủ cao su. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cao su tự nhiên trên toàn cầu lại tăng trưởng đều đặn ở mức 4-6% mỗi năm, đặc biệt từ các ngành sản xuất lốp xe và thiết bị công nghiệp. Điều này tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới.
Ở khía cạnh xuất khẩu, Việt Nam vẫn giữ vững vị thế là quốc gia xuất khẩu cao su lớn thứ ba toàn cầu, chiếm 17,4% thị phần. Trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu loại này đạt gần 2,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, ngành cao su vẫn cho thấy sức mạnh cạnh tranh nhờ vào năng lực sản xuất và các chiến lược đổi mới, như phát triển tín chỉ carbon từ cây cao su và ứng dụng công nghệ xanh.
Hồng Châu