Từ tháng 5, nhóm nghiên cứu phối hợp với một doanh nghiệp chuyên sản xuất thiết bị y tế để chế tạo máy oxy dòng cao BKVM-HF1 dùng trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, giảm nguy cơ đặt ống thở máy.
Phó giáo sư Tiến sĩ Vũ Duy Hải, Giám đốc Trung tâm Điện tử y sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội, thành viên chính nhóm nghiên cứu cho biết, do nhu cầu sử dụng máy trong nước ngày một tăng cao, nên nhóm được chỉ đạo gấp rút nghiên cứu đưa ra sản phẩm. Từng nghiên cứu dòng máy thở từ trước, nhóm nghiên cứu không gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật nên chỉ sau 2 tuần, sản phẩm thử nghiệm đầu tiên được hoàn thiện. Máy được chuyển đến các đơn vị đánh giá tiêu chuẩn cũng như các thông số kỹ thuật. "Chúng tôi đã được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành để có thể sản xuất số lượng lớn", Tiến sĩ Hải nói.
Máy có chức năng hỗ trợ người bệnh hô hấp bằng cách cung cấp liên tục khí thở lưu lượng cao lên tới 60 lít một phút, với nồng độ oxy điều chỉnh được (từ oxy không khí đến nguyên chất). Dòng khí thở được ổn định ở 37 độ C với độ ẩm bão hòa, giúp điều trị bệnh nhân suy hô hấp.
"Phương pháp này giúp phế nang bệnh nhân không bị dính, xẹp lại, giúp thể tích chứa khí được duy trì, bệnh nhân dần hồi phục", Tiến sĩ Hải nói.
Nguồn đầu vào của máy gồm khí oxy, khí nén, thông qua một bộ trộn để điều chỉnh tỉ lệ và tạo ra hàm lượng oxy có thể điều chỉnh trong khoảng từ 21% đến 100% tùy theo chỉ định của bác sĩ.
Lượng khí này tiếp tục được đưa vào hệ thống làm ấm và làm ẩm có tác dụng gia nhiệt cho bộ khí để đạt 37 độ C như nhiệt độ bên trong cơ thể, đưa khí vào phổi giúp bệnh nhân không mất nhiệt. Chức năng làm ẩm đạt mức 85 đến 100% (được chỉ định trong y tế) để tránh các tổn thương khác về phổi trong quá trình đưa oxy vào.
Theo Phó giáo sư Hải, đến giữa tháng 6, máy được Bộ Y tế quyết định lưu hành và chuyển 30 sản phẩm đầu tiên tới Thành phố Hồ Chí Minh và Bắc Giang, dùng trong phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19 ở giai đoạn 3 (trong 5 giai đoạn). Bệnh nhân giai đoạn này được chẩn đoán dương tính nCoV, bị suy hô hấp và tổn thương phổi, nhưng vẫn có thể thở được.
Việc vận hành máy oxy dòng cao luôn cần nguồn cấp khí và oxy y tế. Nhóm nghiên cứu nhận thấy các bệnh viện từ tuyến tỉnh đều có sẵn hệ thống khí y tế để cung cấp nguồn khí nén và khí oxy. Tuy nhiên các bệnh viện dã chiến lại chưa được trang bị nguồn khí y tế này để phục vụ quá trình máy oxy dòng cao. Vì vậy nhóm nghiên cứu bổ sung chế tạo thiết bị đi kèm gồm máy nén khí và máy tạo oxy để chuyển đến vùng dã chiến, cung cấp cùng lúc khí y tế cho 10 máy oxy dòng cao.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Theo các báo cáo nghiên cứu lâm sàng, nếu được sử dụng máy oxy dòng cao này, từ 60 đến 70% bệnh nhân mắc Covid-19 được hồi phục, không bị nặng thêm và không phải sử dụng máy thở".
Hiện công nghệ được chuyển giao cho doanh nghiệp sản xuất mở rộng và được phép thương mại, với giá 50 triệu đồng một máy (bằng một nửa so với giá của sản phẩm nhập ngoại). Tiến sĩ Hải cho biết, nhóm tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp cải tiến sản phẩm. Hiện nhóm nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các tổ chức và cá nhân mua tặng cho vùng tâm dịch, trong đó Bộ Y tế đề nghị sản xuất thêm 100 máy oxy dòng cao để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.