Sáng 6/8, tại phiên giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người cao tuổi, người khuyết tật, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung nói, đến cuối năm 2018, cả nước có hơn 11,3 triệu người cao tuổi, trong đó trên 1,2 triệu người tham gia công tác chính quyền, đoàn thể ở địa phương; gần 2,5 triệu người tham gia lao động sản xuất, kinh doanh ở các mức độ khác nhau.
"Có hơn 95.000 người cao tuổi làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; hơn 300.000 người làm kinh tế giỏi", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, đến năm 2030, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ đạt khoảng 12,9% và năm 2050 là 23%. Với xu hướng già hoá dân số như vậy, ông Dung cho rằng Việt Nam cần tính đến vấn đề lao động cho người đã nghỉ hưu, ví dụ ở Nhật Bản đã có chính sách khởi nghiệp cho người già.
Ông Dung nói đời sống của đa số người cao tuổi ở Việt Nam còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với tỷ lệ chung của cả nước. Mức trợ cấp xã hội đối với người già cũng thấp, chỉ bằng khoảng 30% so với chuẩn nghèo thành thị và 40% chuẩn nghèo nông thôn.
Nhiều đại biểu nêu băn khoăn, mức trợ cấp xã hội 270.000 đồng mỗi tháng cho người già là rất thấp. "Tỉnh Quảng Ninh đã chủ động tăng 30% mức trợ cấp đối với người cao tuổi nhưng cử tri vẫn đề nghị phải tăng thêm", đại biểu Đỗ Thị Lan cho hay. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói ông đã trao đổi để trình Chính phủ đề xuất tăng mức trợ cấp đối với người cao tuổi.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh Xã hội trả lời về tình trạng "40% phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật từng ít nhất một lần bị bạo lực tình dục".
Ông Đào Ngọc Dung thừa nhận, vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, trong đó có người khuyết tật đang diễn ra phức tạp. Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã đề nghị giải quyết vấn đề này với tinh thần "3 nhất" là: Xử lý nhanh nhất các vụ khi phát hiện; Áp dụng chế tài nghiêm minh nhất; Hỗ trợ kịp thời nhất cho các nạn nhân.
"Về lâu dài, cần xây dựng đề án phòng chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em với các chính sách cụ thể, thiết thực hơn", ông Dung nói.
Theo Bộ Lao động Thương binh Xã hội, thời gian qua một số địa phương báo cáo có sự gia tăng rất nhanh số người bị tự kỷ, người tâm thần nên đã đề nghị xây thêm các Trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ. Qua kiểm tra, Bộ phát hiện có nơi do thiếu chỗ đã ghép các trường hợp tự kỷ, tâm thần, thậm chí cai nghiện vào nuôi dưỡng, chăm sóc chung; sau đó Bộ đã yêu cầu phải tách ra.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, người tự kỷ là người khuyết tật đã được quy định trong thông tư ban hành đầu năm 2019. Tuy nhiên Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến lại thông tin, theo các nghiên cứu mới nhất thì người mắc chứng tự kỷ có thể do gen, mà nếu do gen thì có thể nghiên cứu để chữa được. Vì vậy, chỉ nên xem tự kỷ là bệnh.