"Du lịch cần mở cửa thị trường quốc tế vào tháng 7" là ý kiến được ông Nguyễn Hữu Thọ đưa ra trong Hội nghị trực tuyến Triển khai kế hoạch công tác năm 2021 của Hiệp hội Du lịch Việt Nam (HHDLVN), diễn ra tại Hà Nội ngày 3/3. Đặt câu hỏi "Chúng ta còn chờ gì?" khi nhắc về khó khăn của ngành du lịch trong năm 2020, ông cho biết hiện có khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng kinh doanh.
"Đẩy mạnh du lịch nội địa có mang về doanh thu nhưng không thể cứu sống ngành du lịch và lộ trình mở cửa thị trường quốc tế là giải pháp duy nhất", ông nói. Ông lý giải, hiện có nhiều sản phẩm du lịch không được sử dụng bởi thị trường khách nội địa và mở cửa thị trường quốc tế đồng nghĩa với việc đón các nhà đầu tư đang nóng lòng muốn vào Việt Nam.
Ông nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia phòng chống Covid-19 tốt nhất trong khu vực và trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để ngành du lịch mở cửa thị trường quốc tế vào đầu quý III. Ông lấy dẫn chứng về các quốc gia làm du lịch hàng đầu trong khu vực như Thái Lan sẽ mở cửa đón khách vào 1/7 và Singapore chào đón khách đã tiêm vaccine.
Đồng tình với ý kiến trên, Hiệp hội du lịch TP HCM cho biết Việt Nam sẽ là thị trường thu hút du khách quốc tế, sau khi họ có thể du lịch trở lại. Vì vậy cần chuẩn bị bộ tiêu chí để đón khách ngay khi có thể mở cửa trở lại, cụ thể như nhiều quốc gia không yêu cầu cách ly những du khách đã tiêm phòng hoặc có giấy chứng nhận âm tính Covid-19.
Phát biểu ý kiến, bà Nguyễn Thị Khánh, chủ tịch Hiệp hội du lịch TP HCM cho rằng có thể dần hướng tới các thị trường quốc tế gần, đã kiểm soát dịch bệnh để trao đổi 2 chiều. Song cần ưu tiên triển khai tốt chương trình kích cầu du lịch nội địa 2021, để chuẩn bị cho các tháng cao điểm vào mùa hè.
Nhận định việc mở cửa thị trường quốc tế vô cùng gay go và có thể vấp phải sự phản đối của số đông, song ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực HHDLVN, cho rằng cần phải chuẩn bị sẵn kế hoạch nếu không muốn tụt hậu. "Người thông minh vẫn là người đi trước, khi cả thế giới công nhận hộ chiếu vaccine, nếu chúng ta không tin thì sẽ thua trên đất của mình", ông nhấn mạnh. Thời gian sắp tới, hiệp hội sẽ có đề án để trình Chính phủ, để thí điểm làm du lịch quốc tế trong thời điểm thích hợp.
Ghi nhận thành công của chương trình kích cầu nội địa trong năm 2020, hiệp hội định hướng bám sát thị trường nội địa trong năm 2021. Tuy nhiên nội dung của kích cầu đã thay đổi, không chỉ giảm giá mà còn kết hợp các dịch vụ và chia sẻ. Chương trình liên kết kiểu mới sẽ kết hợp với hàng không, vận động người Việt Nam đi du lịch. Đặc biệt, khi phương án kích cầu riêng lẻ từng địa phương không mang lại hiệu quả cao, ông đề xuất trong năm 2021 sẽ tập trung dồn khách tới từng điểm để "du lịch đi tới đâu, nơi đó sẽ sáng bừng tới đó".
Xuyên suốt hội nghị còn có các đề xuất được đưa ra để phòng chống và khắc phục hậu quả của Covid-19 đối với ngành du lịch. Trong đó là đề xuất Chính phủ kéo dài chương trình hỗ trợ tiền điện, thuế, thuế đất, bảo hiểm đến hết năm 2021, kiến nghị có quy định cụ thể và khả thi cao để doanh nghiệp tiếp cận. Ngoài ra là từng bước áp dụng chuyển đổi số đối trong các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và từng địa phương. Trong thời gian dịch bệnh, ngành du lịch nên tranh thủ đào tạo nguồn nhân lực và sửa chữa cơ sở vật chất.
Sắp tới các sự kiện sẽ được triển khai là Diễn đàn toàn quốc Du lịch nội địa; Hội chợ VITM Hà Nội 2021 ngày 5-8/5/2021, từng bước tổ chức hội chợ trực tuyến; Hội chợ VITM Đà Nẵng tổ chức từ tháng 8 tới tháng 11/2021...
Lan Hương