"Chúng tôi mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ Infosys và ngành công nghệ thông tin Ấn Độ, để làm thế nào Việt Nam có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tỷ USD", ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và CNTT (Vinasa), Tổng giám đốc FPT nói tại cuộc gặp với Narayana Murthy, tỷ phú, nhà sáng lập Infosys của Ấn Độ hôm 20/5.
Câu nói của ông Khoa cũng là mong muốn của nhiều thế hệ người làm công nghệ thông tin tại Việt Nam. Sau hàng chục năm hình thành và phát triển, lĩnh vực này đã có những bước phát triển mạnh mẽ, mang về hàng tỷ USD mỗi năm. Nhân lực Việt dồi dào, cùng năng lực về khoa học kỹ thuật mạnh mẽ. Tuy nhiên, số doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có vốn hóa trên 1 tỷ USD hiện đếm trên đầu ngón tay.
Đó cũng là lý do hàng trăm nhà phát triển, doanh nghiệp công nghệ đã có mặt tại hội trường FPT ở Hòa Lạc và theo dõi trực tuyến lắng nghe những chia sẻ từ Murthy, người được ví như cha đẻ của ngành công nghệ Ấn Độ.
Sự phát triển của Ấn Độ nói chung, Infosys nói riêng, trở thành bài học cho ngành công nghệ toàn cầu cũng như giới trẻ Việt Nam trên con đường hiện thực hóa giấc mơ tỷ USD.
Hơn 30 năm xây dựng Infosys, ông Narayana Murthy đã đưa một công ty từ 250 USD vốn khởi nghiệp, trở thành đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ CNTT toàn cầu. Năm 2023, công ty có doanh thu 18,6 tỷ USD, giá trị vốn hóa trên 70 tỷ USD và 320.000 nhân viên, hiện diện tại 56 quốc gia trên thế giới.
Cùng với những tên tuổi như Tata Consultancy Services, Wipro, HCL Technologies... Infosys đã tạo nên một thế hệ doanh nghiệp công nghệ hùng mạnh. Từ đó định hình Ấn Độ trở thành một trong những trung tâm về phần mềm của thế giới suốt hàng chục năm.
Theo báo cáo của Hiệp hội phần mềm Ấn Độ Nasscom, lĩnh vực công nghệ đóng góp 7,5% vào GDP của nước này trong năm 2023. Dịch vụ ngành này chiếm 54% tổng doanh thu các dịch vụ xuất khẩu. Cũng theo thống kê của Hội đồng xúc tiến xuất khẩu phần mềm máy tính và điện tử ESC cho thấy xuất khẩu phần mềm của Ấn Độ đã tăng 12,2% từ 172 tỷ USD lên 193 tỷ USD trong năm 2022-2023 với Mỹ là thị trường lớn nhất.
Nhờ những chiến lược đổi mới và mô hình hướng tới toàn cầu, Ấn Độ đã tối ưu hóa nguồn lực và chất lượng dịch vụ, biến mình thành một cường quốc công nghệ, thay đổi cách thế giới nhìn nhận về khả năng công nghệ của họ. Qua đó trở thành điểm đến hàng đầu khi cần tìm nguồn cung ứng công nghệ thông tin.
Với những thành tựu đã đạt được, Ấn Độ có thể coi là ví dụ thành công về công cuộc xuất khẩu phần mềm. Dù nắm trong tay thị trường nội địa tỷ dân, các doanh nghiệp như Infosys từ những năm 80 của thế kỷ trước đã tìm đường ra thế giới.
Mô hình cung cấp dịch vụ công nghệ toàn cầu của Infosys đã tạo ra cuộc cách mạng hóa ngành dịch vụ công nghệ toàn cầu trong tối ưu hóa cấu trúc, nguồn lực, phân phối công việc và nâng cao tốc độ và chất lượng dịch vụ.
Câu chuyện về khai phá thị trường nước ngoài, xây dựng và quản trị doanh nghiệp từ con số 0 lên hàng chục tỷ USD của Murthy trở thành bài học lớn cho doanh nghiệp Việt.
"Năm 1981, Mỹ có cơ hội rất lớn cho dịch vụ phần mềm. Tôi thấy đây là lúc cần phải tận dụng cơ hội này và thành lập Infosys. Đối với tôi lúc đó tiền không quan trọng bằng ước mơ tạo việc làm, giải quyết đói nghèo cho Ấn Độ", ông Narayana Murthy nói. "Mất 23 năm kể từ ngày quyết tâm đi theo con đường này, Infosys mang về một tỷ USD đầu tiên từ thị trường nước ngoài".
Hơn bốn thập kỷ gây dựng nên đế chế chục tỷ USD, ông Narayana Murthy còn rút ra ba bài học quan trọng mà mỗi người đứng đầu doanh nghiệp cần quan tâm. Trong đó bán hàng là quan trọng nhất. "Nếu không bán được hàng thì không có doanh thu mà không có doanh thu thì công ty sẽ không tồn tại được", ông nói.
Bài học thứ hai là kiểm soát tài chính. Theo tỷ phú Ấn Độ, doanh nghiệp phải làm thế nào để đảm bảo mọi chi phí đều hợp lý và "tiêu ít hơn số tiền mình kiếm được". Bài học quan trọng thứ ba là nhân sự. "Doanh nghiệp cần thu hút, tạo điều kiện thuận lợi, trao quyền, để nhân viên cảm nhận được hạnh phúc. Kinh nghiệm của tôi thì tiền không phải là quan trọng nhất, mà nhân viên giỏi sẽ muốn được tôn trọng", ông nói.
Nói về những sự tương đồng Infosys và FPT, hay rộng ra các doanh nghiệp công nghệ Ấn Độ và Việt Nam, ông cho rằng đó có thể là sự tương đồng của những công ty khởi nghiệp - những "người mơ mộng viển vông" xuất phát từ ý tưởng và chăm chỉ làm việc để biến ý tưởng đó thành hiện thực. Tuy nhiên để thực hiện điều đó, những người khởi nghiệp cần tự trang bị cho mình khả năng học tập, sự chăm chỉ và kỷ luật.
Vị tỷ phú cũng khẳng định phần mềm là lĩnh vực luôn có nhu cầu lớn. Đặc biệt khi công nghệ luôn thay đổi, các công ty cần phần mềm để tạo giá trị kinh doanh khác biệt cho khách hàng của mình, từ đó cũng tạo ra nhu cầu không giới hạn cho lĩnh vực này.
Theo dự báo của Gartner, chi tiêu cho công nghệ dự kiến sẽ đạt 5,06 nghìn tỷ USD trong năm 2024, tăng 8% so với năm trước trong đó phần mềm và dịch vụ IT là những mảng tăng trưởng mạnh nhất.
Những năm qua, Việt Nam cũng đã có những động thái mạnh mẽ trong việc đưa sản phẩm "Go Global". Theo thống kê của Cục Công nghiệp ICT, đến cuối 2023, Việt Nam có hơn 45.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có 11.200 đơn vị làm phần mềm. Hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã "Go Global" với ước tính doanh thu năm khoảng 7,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu phần mềm ước đạt khoảng 4 tỷ USD, với những tên tuổi nổi bật như FPT, VMO, Rikkeisoft, đều tăng trưởng doanh thu hàng năm ở mức hai con số.
Có mặt tại buổi chia sẻ, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Hoàng Phương khẳng định công nghệ thông tin, công nghệ số được xem là lực lượng sản xuất mới thúc đẩy phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhắn gửi đến cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, Thứ trưởng nhấn mạnh họ cần có sự đam mê, hoài bão, khát vọng vươn lên, ý chí lập thân, lập nghiệp thành công. "Tôi mong muốn từ các chia sẻ của ông Narayana Murthy, các bạn sẽ biến thành những tư tưởng, những hành động cụ thể trong phát triển doanh nghiệp", ông nói.
Tại Việt Nam, một doanh nghiệp trong nước là FPT cũng mất 24 năm để có doanh thu tỷ USD dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài đầu tiên, tương đồng với con số 23 năm để đạt 1 tỷ USD đầu tiên của Infosys. Nhưng sau đó, hãng Ấn Độ chỉ mất 23 tháng cho 1 tỷ USD thứ hai và chưa đến một năm cho 1 tỷ USD thứ ba.
"Chúng tôi tin rằng, chúng tôi làm được, các bạn cũng làm được. Tôi rất tự tin vào tương lai của Việt Nam. Vì các bạn có lòng dũng cảm, có sự tự tin, có kỷ luật và sẵn sàng hy sinh", tỷ phú Narayana Murthy nói.
Hội An