Ngành du lịch Việt Nam dự kiến đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019 và tăng lên 20 triệu vào năm 2020. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp nhận thấy, Việt Nam cần phải làm nhiều thứ hơn nữa để đạt được con số này, nhất là trong quảng bá, xúc tiến du lịch ra thế giới.
Tại tọa đàm trực tuyến "Quảng bá du lịch – cần những bước đột phá" sáng 6/8 ở Hà Nội, ông Hoàng Nhân Chính, đại diện Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho biết, các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra, để thu hút thêm khách quốc tế tiêu hơn 1.000 USD trong chuyến đi, quốc gia đó phải chi ít nhất 1 – 5 USD mỗi đầu khách cho quảng bá du lịch.
"Như vậy, để thu hút 20 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020, Việt Nam cần chi ít nhất 20 triệu USD để tập trung quảng bá du lịch", ông Chính nói và cho rằng, Tổng cục Du lịch đang hoạt động chồng chéo vì vừa quảng bá, vừa quản lý du lịch khiến vai trò "nhạc trưởng" chưa rõ ràng.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đề xuất thành lập riêng một hội đồng xúc tiến du lịch, dựa theo kinh nghiệm và thành công của các nước đi trước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia... Bởi hoạt động quảng bá hiện được đánh giá là chưa đồng bộ, từ trung ương đến địa phương, giữa du lịch với các ngành nghề khác theo kiểu mạnh ai người đó làm, khiến việc chi tiêu cho quảng bá bị phân tán.
Việt Nam có duy nhất một văn phòng đại diện xúc tiến du lịch ở nước ngoài là nút thắt tiếp theo ngành du lịch đang gặp phải. Theo ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, văn phòng xúc tiến là "chân rết" để thâm nhập, đánh giá các thị trường du lịch. Thái Lan, Malaysia, Singapre... đều có 20 – 30 văn phòng xúc tiến tại các nước, nhất là các thị trường trọng điểm. Ví dụ, Thái Lan có tới bốn văn phòng tại Nhật Bản, năm văn phòng tại Trung Quốc.
Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh quảng cáo e-marketing với chi phí thấp nhưng đem lại hiệu quả cao hơn, như mở tài khoản mạng xã hội tại các thị trường mục tiêu. Tổng cục Du lịch, Hội Du lịch cộng đồng hợp tác với mạng xã hội video ngắn TikTok để quảng bá hình ảnh các điểm đến ở Việt Nam với sự tham gia trực tiếp của người dùng.
Năm 2016, tạp chí Forbes đánh giá mức đầu tư 2 triệu USD của Việt Nam cho xúc tiến du lịch chỉ bằng 2,9% của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% của Malaysia. Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam đứng thứ 80 trong danh sách 136 quốc gia về hiệu quả quảng bá cho du lịch. Chỉ số này thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực, đứng sau cả Lào (xếp hạng 53) và Campuchia (xếp hạng 73).
Xem thêm: Việt Nam ở đâu trên bản đồ du lịch thế giới
Trong 7 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thu về 401.000 tỷ đồng.
Kiều Dương