Phát biểu tại Diễn đàn hiệu quả viện trợ lần thứ bảy hôm nay (26/11), ông Cao Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) nhận định khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, lượng vốn ODA viện trợ không hoàn lại và vay ưu đãi đang giảm dần, trong khi các khoản vay kém ưu đãi có xu hướng tăng lên.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vốn ODA là "chất xúc tác" để thu hút thêm các nguồn vốn khác cũng như kêu gọi các định chế tài chính tham gia vào dự án. "Việt Nam vẫn rất cần sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế thông qua nguồn vốn ODA để đảm bảo phát triển bền vững và tránh được bẫy thu nhập trung bình", đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho hay.
Dẫn kinh nghiệm từ một nước đã chuyển từ nhận sang cung cấp viện trợ, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) khuyến nghị Việt Nam cần linh hoạt hơn trong quản lý vốn ODA nhằm đối phó với những thay đổi trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm số doanh nghiệp nhà nước trong xã hội và đưa ra những mục tiêu kinh tế cụ thể hơn cùng ngân sách đi kèm. Việt Nam cũng phải minh bạch hơn trong quản lý và sử dụng vốn ODA.
"Việt Nam sẽ tiếp tục là đối tác ưu tiên để KOICA viện trợ phát triển nhưng cần sử dụng ODA thông minh hơn nữa", vị này nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng cần có những phương thức mới trong sử dụng vốn viện trợ. Lấy ví dụ trong lĩnh vực giáo dục, bà cho biết Việt Nam chưa cần thiết phải xây thêm trường học mà mối quan tâm lớn hiện nay là phải cải cách hệ thống giáo dục, nâng cao năng lực quản lý ở các trường. "Với mô hình như vậy sẽ không cần phải chi tiêu thêm", đại điện WB bày tỏ.
Bên cạnh đó, việc tận dụng hiệu quả nguồn vốn ODA hiện có cũng được các bên nêu lên. Tính đến nay, tổng vốn ODA cam kết cho Việt Nam đã đạt trên 78 tỷ USD, nhưng vẫn còn khoảng 20 tỷ USD chưa được giải ngân trong hoàn cảnh nhiều dự án đang thiếu kinh phí. Do đó, các chuyên gia cho rằng Chính phủ cần có kế hoạch để rà soát các vấn đề đang tồn đọng liên quan đến giải ngân ODA, chi tiêu công hiệu quả hơn.
Trước những vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết Việt Nam đang phối hợp với các đối tác phát triển để định hướng việc sử dụng vốn ODA với các ưu đãi khác nhau, từ các nhà tài trợ khác nhau cho các lĩnh vực, dự án thuộc diện ưu tiên trong giai đoạn 2011 - 2020.
Theo quan điểm của Bộ, vốn ODA viện trợ không hoàn lại sẽ được sử dụng trong lĩnh vực giảm nghèo, an sinh xã hội (y tế, giáo dục) và phát triển nguồn lực... ODA vay ưu đãi được dùng cho các công trình hạ tầng mà khó có khả năng thu hồi vốn nhanh. Các khoản vay kém ưu đãi sẽ đầu tư cho các dự án trọng điểm có nguồn thu và có khả năng thu hồi như điện, khí…
"Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra môi trường đáng tin cậy, thẳng thắn, cởi mở với những điều kiện thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ODA theo các hình thức khác nhau", ông Cao Mạnh Cường nói.
Phương Linh