Có rất nhiều vụ án khi đưa ra xét xử, quan điểm của tòa khác xa quan điểm của VKS và cơ quan điều tra, hay quan điểm tòa cấp dưới khác tòa cấp trên... Tất cả dẫn đến tình trạng vụ án “chạy” lòng vòng lên xuống. Nổi tiếng nhất là vụ Thái Văn Tuấn, VKSND Tối cao truy tố Tuấn về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân và lạm dụng chiếm đoạt tài sản XHCN. Thế nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, VKS TP HCM thực hiện quyền công tố đã rút toàn bộ cáo trạng, đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội. Sau đó, VKS Tối cao hủy bỏ quyết định rút truy tố. Tại lần xét xử thứ hai, cũng VKS thành phố lại ra kết luận trái ngược trước đây: đủ cơ sở kết tội bị cáo... Vụ án đã kết thúc với hình phạt chung thân cho Tuấn, nhưng vấn đề là tại sao cùng tại liệu, chứng cứ hồ sơ mà cùng ngành, cấp trên bảo có tội, cấp dưới bảo không.
Tương tự, vụ án Bùi Văn Minh ở Nam Định bị VKS tỉnh truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ vì lỡ ký thay người thân để hợp thức hóa thủ tục vay vốn ngân hàng đầu tư sản xuất. TAND tỉnh tuyên bị cáo vô tội. VKS kiên quyết cho là có tội nên kháng nghị. Qua phúc thẩm rồi đến giám đốc thẩm đều kết luận Minh vô tội, vụ án mới được khép lại. Hậu quả của việc đánh giá sai chứng cứ của công an, VKS không chỉ gây hại cho bị cáo, mà còn dẫn tới khả năng cơ quan tư pháp phải bồi thường do oan sai.
Kỷ lục về chuyện chạy lòng vòng thuộc về án dân sự. Chẳng hạn vụ tranh chấp nhà số 47 Bến Bãi Sậy, TP HCM mất 12 năm, qua 11 lần xét xử; vụ tranh chấp nhà bà Vẹn ở Cần Thơ mất 17 năm với 9 phiên tòa...
Luật ở dạng khung và hiểu sao cũng được
Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc áp dụng pháp luật khác nhau trong cùng một vụ việc. Nguyên chánh án TAND Tối cao Phạm Hưng nhận xét, pháp luật của ta không thiếu nhưng còn ở dạng khung. Như Bộ luật Hình sự có mấy khung phạt: tù 6 tháng đến 3 năm, 3 đến 7 năm... Do đó, cùng một vụ mỗi tòa xử một kiểu. Trong nhiều lĩnh vực, luật khung không được giải thích kịp thời hoặc đầy đủ còn tạo ra khe hở. Hiến pháp trao quyền giải thích luật cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng thực tế cơ quan này chưa thực hiện, và nếu có cũng khó có thể kịp thời giải quyết các tình huống.
Theo luật sư Nguyễn Mạnh Bách, Đoàn Luật sư TP HCM, tòa án là cơ quan có thể giải thích luật một cách tổng quát, thích ứng được thực tế sinh động của đời sống xã hội mà cơ quan này phải giải quyết hàng ngày. Nhiều nước trên thế giới, với hình thức khác nhau đã thừa nhận vai trò của án lệ. Có nước xét xử chủ yếu theo án lệ như Anh, Mỹ thì coi bản án trước ràng buộc các vụ án sau nếu có cùng sự kiện. Còn những nước theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa như Pháp, cũng có án lệ, nhưng tính bắt buộc không cao. Những nước này, án lệ được áp dụng bắt buộc khi nó giải thích cho điều luật trừu tượng. Hầu hết các quốc gia có nền pháp luật lâu đời, người ta đều sưu tập những bản án tiêu biểu của các tòa, giúp cho các nhà hành pháp nghiên cứu và giải quyết những vấn đề luôn thay đổi trong cuộc sống.
Thực tế ở nước ta, TAND Tối cao đang đóng vai trò giải thích luật khi cơ quan này ra những nghị quyết hay kết luận về công tác xét xử của ngành. Về nguyên tắc, những “án lệ” này không phải là pháp luật, tức không có hiệu lực bắt buộc với tòa cấp dưới. Nhưng theo ông Bách, quan điểm của Tòa Tối cao nếu hợp tình, hợp lý và được lặp đi lặp lại nhiều lần thì sẽ được tòa cấp dưới tuân theo. Hơn nữa, nếu tòa cấp dưới xử không đúng quan điểm đó thì bản án có thể bị tòa cấp trên xét xử lại.
Theo ông Phạm Hưng, đã đến lúc TAND Tối cao cần tập hợp những vụ án phúc thẩm hay giám đốc thẩm mẫu mực thành án lệ, giúp thẩm phán tham khảo khi xét xử những vụ án tương tự, gửi cho địa phương để tham khảo. Chỉ thế mới dần tránh được việc tùy tiện áp dụng pháp luật. Còn theo luật sư Phan Trung Hoài, cũng phải tập hợp cả những mẫu mực về vụ án xét xử sai, để các thẩm phán, hội thẩm rút kinh nghiệm mà tránh. Việc đưa vào các sinh hoạt khoa học pháp lý công tác phê bình án sẽ có lợi cho việc nâng cao trình độ và nghiệp vụ của thẩm phán.
(Theo Pháp Luật TP HCM)