Trong cuộc hội đàm sáng 13/7, Thủ tướng Hun Manet bày tỏ trân trọng việc Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Campuchia không lâu sau khi nhậm chức, thể hiện sự coi trọng của Việt Nam và cá nhân Chủ tịch nước đối với Campuchia, theo thông cáo Bộ Ngoại giao.
Hai lãnh đạo bày tỏ hài lòng về sự phát triển của quan hệ hai nước trên tất cả lĩnh vực. Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn của Campuchia, riêng trong quý I năm 2024, kim ngạch thương mại đứng thứ hai, chiếm 22,2% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Campuchia. Hai lãnh đạo tin tưởng thương mại hai nước sẽ sớm đạt mục tiêu 20 tỷ USD.
Chủ tịch nước và Thủ tướng Hun Manet nhất trí đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận đã ký như Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia, Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giai đoạn 2025 - 2026; quyết liệt đẩy nhanh kết nối giao thông, các cặp cửa khẩu, tích cực phối hợp với Lào triển khai tốt các gói du lịch "Một hành trình ba điểm đến" qua Campuchia - Lào - Việt Nam.
Hai lãnh đạo nhấn mạnh Việt Nam - Campuchia cần tăng cường trao đổi thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp, triển khai tốt các cam kết, thỏa thuận, hiệp định đã ký và các cơ chế hợp tác; tăng cường kết nối, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, về quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa hai nước.
Việt Nam - Campuchia cam kết tiếp tục đưa trụ cột hợp tác quốc phòng - an ninh đi vào chiều sâu, nhấn mạnh nguyên tắc không cho phép thế lực thù địch sử dụng lãnh thổ nước này để chống phá nước kia; hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong phòng chống tội phạm công nghệ cao và tội phạm xuyên biên giới, tiếp tục xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững; và hỗ trợ nhau đào tạo cán bộ và nâng cao năng lực thực thi pháp luật.
Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Campuchia Hun Manet cũng đề nghị khai thác tốt tuyến đường bay thẳng mới mở Hà Nội - Phnom Penh - Hà Nội của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam và đẩy mạnh giao lưu nhân dân. Đường bay sẽ hoạt động từ cuối tháng 10 với tần suất 4 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần. Hiện tại, hành khách muốn bay từ Hà Nội đến Phnom Penh phải quá cảnh tại Vientiane, Lào.
Thủ tướng Hun Manet cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Ông nhấn mạnh hỗ trợ và bảo vệ các nhà đầu tư Việt Nam cũng là mục tiêu quan trọng của chính phủ Campuchia nhằm tăng cường kết nối giữa khu vực tư nhân hai nước.
Hai lãnh đạo khẳng định sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, trong đó có việc Việt Nam tiếp tục cấp học bổng cho sinh viên Campuchia sang học tập tại Việt Nam. Bên cạnh việc hỗ trợ nhau nâng cao năng lực cho cán bộ, hai bên cũng sẽ chú trọng hơn thúc đẩy thu hút sinh viên hai nước sang học tập tại mỗi nước tại các nhóm ngành phù hợp với xu thế phát triển mới như chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ.
Việt Nam - Campuchia sẽ phối hợp thực hiện tốt các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận liên quan đến biên giới mà hai nước đã ký kết; tiếp tục đàm phán, tìm giải pháp công bằng, hợp lý thúc đẩy giải quyết các khu vực chưa hoàn thành phân giới cắm mốc trong thời gian tới; tăng cường hợp tác ngăn chặn buôn bán người, vận chuyển ma túy qua biên giới, bảo đảm an ninh an toàn cho nhân dân các tỉnh biên giới.
Hai nước nhất trí tiếp tục phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị, trong đó chú trọng đến xây dựng và phát triển hệ thống cửa khẩu, bảo đảm kết nối giao thông thông suốt hai bên biên giới, tham gia hiệu quả vào các sáng kiến liên kết vùng, khu vực.
Chủ tịch nước Tô Lâm cảm ơn và đánh giá cao việc Campuchia mới cấp quốc tịch cho ba trường hợp người gốc Việt, tạo tiền đề để hai bên tiếp tục phối hợp giải quyết các trường hợp tiếp theo. Chủ tịch nước mong muốn phía Campuchia tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người gốc Việt an tâm, hòa nhập với cuộc sống ở sở tại.
Về hợp tác khu vực và quốc tế, hai bên nhất trí ủng hộ Lào hoàn thành vai trò Chủ tịch ASEAN 2024 và AIPA 2024; thúc đẩy hợp tác Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và Tiểu vùng Mekong mở rộng; hợp tác quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong vì lợi ích cộng đồng người dân trên lưu vực, vì tương lai của các thế hệ mai sau và tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông, trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi.
Việt Nam - Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1967. Kim ngạch thương mại 4 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 3,9 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia và là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN.
Việt Nam có 205 dự án đầu tư ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong top 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia. Campuchia đứng thứ hai trong số 79 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài.
Ngọc Ánh