"Việt Nam đã cùng các nước G7 và đối tác quốc tế khác thông qua tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)", phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay.
Bà Hằng phát biểu khi đề cập thông tin nhóm đối tác quốc tế cam kết huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong 3-5 năm để hỗ trợ Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao nói rằng thông qua tuyên bố chính trị là động thái khẳng định cam kết mạnh mẽ, nhất quán và nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam chung tay giải quyết một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay.
"Đây là bước đi cụ thể để tiếp tục huy động nguồn lực tài chính và công nghệ nhằm góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường và giúp Việt Nam thực hiện cam kết về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với sự hỗ trợ của quốc tế", bà Hằng nói.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay tiến trình chuyển đổi năng lượng đặt ra nhiều thách thức với nước đang phát triển như Việt Nam. Bởi vậy, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi và hợp tác với các nước, đối tác quốc tế khác để vừa bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, vừa giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Trước đó, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam và nhóm đối tác quốc tế, bao gồm Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu, Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch, đã đạt thống nhất về JETP. Khoản hỗ trợ này được công bố tại hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU tại Brussels, Bỉ, ngày 14/12.
Việt Nam là quốc gia thứ ba triển khai JETP, sau Nam Phi và Indonesia. JETP Việt Nam được xây dựng dựa trên quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII) của nhóm các quốc gia G7 do Anh khởi xướng. Trọng tâm của JETP là đảm bảo quá trình chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch công bằng.
JETP Việt Nam đưa ra bốn mục tiêu, gồm đưa thời điểm đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến ở Việt Nam từ năm 2035 thành năm 2030, giảm phát thải đỉnh của ngành điện tối đa là 30% đến năm 2030, tức từ 240 triệu tấn CO2 xuống 170 triệu tấn CO2.
Hai mục tiêu khác là giảm công suất điện than của Việt Nam từ 37 GW theo kế hoạch hiện tại xuống còn 30,2 GW và đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo, để năng lượng tái tạo chiếm 47% tổng lượng điện được tạo ra đến năm 2030, so với tỷ trọng hoạch định hiện nay là 36%.
Thực hiện thành công bốn mục tiêu trên sẽ giúp Việt Nam giảm phát thải khoảng 500 triệu tấn khí nhà kính từ nay đến năm 2035.
Theo thông báo của Chính phủ Anh, nhiều lãnh đạo đã gửi lời chúc mừng tới Thủ tướng Phạm Minh Chính và Việt Nam. Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak nhấn mạnh: "Mô hình JETP là nhân tố thay đổi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, sử dụng viện trợ quốc tế để khơi thông hàng tỷ USD tài chính tư nhân. Đầu tư mà chúng ta đang thực hiện hôm nay đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể giảm phát thải, tạo ra việc làm mới và tiếp tục tăng trưởng".
Vũ Anh