Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Bình Minh nêu rõ, là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng, Việt Nam luôn ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.
Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8-10% so với năm 2010, giảm lượng tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1-1,5%/năm. Đồng thời, Việt Nam cũng đang nghiên cứu có cam kết quốc gia tự nguyện (INDCs), trong đó xác định rõ các đóng góp cụ thể về giảm khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và cam kết của Việt Nam hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế và các đối tác. Nỗ lực này nhằm góp phần thúc đẩy tiến trình đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu tại Hội nghị các nước thành viên Công ước khung về biến đổi khí hậu tại Paris trong năm tới.
Hội nghị Thượng đỉnh này là sáng kiến của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhằm tạo thêm động lực chính trị thúc đẩy quá trình thương lượng về một thỏa thuận pháp lý mới trong năm 2015 trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Tham dự hội nghị có gần 120 tổng thống, thủ tướng và nhiều lãnh đạo cấp cao các nước.
Ông Bình Minh cũng kêu gọi các nước nỗ lực nhiều hơn trong đàm phán nhằm đạt được một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới có tính ràng buộc về biến đổi khí hậu trong năm 2015, thế giới có thể đạt được mục tiêu về nồng độ khí thải nhà kính trong khí quyển và nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2 độ C. Ông nhấn mạnh thoả thuận toàn cầu mới cần bao trùm mọi lĩnh vực từ thích ứng đến giảm nhẹ khí phát thải, thể hiện nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có sự phân biệt như theo quy định của UNFCCC, bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch về đóng góp của các nước và có cơ chế đánh giá, kiểm tra, giám sát. Các nước phát triển cần tăng cường thực hiện các cam kết theo Nghị định thư Kyoto, cung cấp tài chính và công nghệ tiên tiến cho các nước đang phát triển đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu.
Việt Anh