Để xét nghiệm nCoV, Việt Nam đang áp dụng hai phương pháp là xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm nhanh. Tuy nhiên, test nhanh chỉ có giá trị điều tra dịch tễ, "làm sớm quá thì chưa đủ kháng thể, làm đúng lúc cũng chưa thể khẳng định được là có virus hay không, làm muộn quá có thể dương tính nhưng khả năng lây nhiễm cũng qua mất rồi", bác sĩ Nguyễn Viết Nhung, giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương nhận định.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Y tế đã cấp phép cho phương pháp Gene Xpert để phát hiện khẳng định nCoV. Phương pháp này vốn được sử dụng để xét nghiệm vi khuẩn lao với độ đặc hiệu và độ nhạy rất cao trong mạng lưới phòng chống lao Việt Nam từ năm 2012.
Dự kiến ngày 15/8, Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ nhập 16.000 test từ Thuỵ Điển để sử dụng cho hệ thống GeneXpert. Sau đó, bệnh viện và sẽ phân bổ ưu tiên cho các điểm nóng như Đà Nẵng, Quảng Nam, Thanh Hóa, Đăk Lăk, Hà Nội, TP HCM... để xét nghiệm nCoV. Các địa phương khác cũng được tập huấn để thực hiện xét nghiệm này.
Bác sĩ Nhung cho biết, bản chất của xét nghiệm này cũng là RT-PCR nhưng ưu việt hơn khi hệ thống hoạt động hoàn toàn tự động, con người can thiệp vào rất ít, chủ yếu là khâu lấy mẫu và kết quả sẽ có trong vòng 35-45 phút. Test này có thể khẳng định được chính xác sự hiện diện của virus trong cơ thể, giống RT-PCR nhưng nhanh hơn và tự động hoàn toàn từ quy trình tách chiết, trộn đến phân tích. Nhân viên y tế cũng đã được tập huấn đầy đủ, nhuần nhuyễn trong vận hành máy để xét nghiệm cho người nghi ngờ.
"Như vậy song song với phát hiện nhanh bệnh nhân Covid-19, chúng ta có thể phát hiện ra những người mắc lao phổi, góp phần sớm chấm dứt bệnh lao trong cộng đồng", bác sĩ Nhung chia sẻ.
Hiện nay Việt Nam có khoảng 200 máy xét nghiệm GeneXpert, trong đó có 28 phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp hai theo yêu cầu của nhà sản xuất. Đà Nẵng hiện có ba máy xét nghiệm Gene Xpert, trong trường hợp cần thiết, có thể đem máy từ Hà Nội vào hỗ trợ thực hiện công tác xét nghiệm.
Trong thời gian chờ test mới, bác sĩ khuyến cáo người có kết quả test nhanh âm tính tuyệt đối không được chủ quan, cần phải tuân thủ nghiêm túc việc cách ly đủ 14 ngày. Những người đi về từ vùng dịch phải để ý lắng nghe cơ thể mình, trên cơ sở các triệu chứng mà truyền thông đã nhắc rất nhiều.
Nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay để virus không xâm nhập. Tránh tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc tối thiểu 2 m, khai báo y tế đầy đủ. Đặc biệt, những người từ vùng dịch Đà Nẵng về Hà Nội ngày 15 đến 29/7, đã test nhanh sẽ được lấy mẫu lại để xét nghiệm RT-PCR, tránh để lọt ca bệnh ra cộng đồng.
Kể từ khi phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên ở Đà Nẵng, đến nay ghi nhận 298 ca nhiễm tại 13 tỉnh, thành phố và đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại Đà Nẵng. Trong đó, 10 ca tử vong, do các bệnh nền như suy tim, ung thư, suy thận mạn tính, đái tháo đường, tăng huyết áp... và Covid-19.
Tổng số ca nhiễm cả nước lên 750, trong đó 392 người khỏi bệnh, 348 bệnh nhân đang điều trị. Hơn 170.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện gần 6.000 người, tại cơ sở tập trung hơn 24.000, số còn lại tại nhà hoặc nơi lưu trú.
Thùy An