Quan điểm của Việt Nam được đưa ra trong cuộc họp báo quốc tế lần thứ 5 kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, với sự tham gia của đại diện của Ủy ban Biên giới Quốc gia, Tập đoàn dầu khí, Cảnh sát biển và Cục Kiểm ngư, diễn ra chiều 16/6..
Họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông ngày 16/6. Ảnh: Quý Đoàn
Ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên Ngoại giao Việt Nam cho biết trong những ngày qua Trung Quốc vẫn duy trì hoạt động trái phép của giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, bất chấp quy định luật pháp quốc tế. Các tàu của Trung Quốc vẫn hung hăng ngang ngược tấn công, đâm va và dùng súng phụn nước cường độ mạnh, khống chế tấn công đánh đập ngư dân.
Trung Quốc liên tục đưa ra luận điệu sai trái vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam về những căng thẳng hiện nay trên thực địa. Ngày 8 và 9/6 vừa qua, Trung Quốc công bố tài liệu nhan đề "Tác nghiệp của giàn khoan Hải dương 981: sự khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc, đề nghị lưu hành tại Liên hợp quốc. "Ngày 13/6, Trung Quốc lại nêu những luận điệu hết sức sai trái và vô căn cứ về Hoàng Sa", ông Bình cho biết.
Ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, cho biết những ngày qua Trung Quốc tiếp tục gia tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng các hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam trước sau như một kiên quyết phản đối mọi hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Đại diện Ủy ban Biên giới của Việt Nam lần lượt đưa ra từng luận điểm để bác bỏ luận điệu của Trung Quốc về chủ quyền Hoàng Sa.
Thứ nhất, các tư liệu lịch sử cho thấy Trung Quốc không có chủ quyền với Hoàng Sa. Trung Quốc đã đưa ra các tư liệu không có nguồn gốc rõ ràng để đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa. "Các tư liệu này không chính xác, giải thích tùy tiện, là của cá nhân, tài liệu Trung Quốc công khai không chứng tỏ được rằng nhà nước phong kiến Trung Quốc thiết lập chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa", ông Trần Duy Hải khẳng định.
Ông Hải nhắc lại sự kiện năm 1898 khi hai tàu buôn phương Tây bị đắm ở Hoàng Sa và bị ngư dân Trung Quốc cướp tài sản, phó vương Quảng Đông đã lập luận rằng Hoàng Sa là quần đảo bị bỏ rơi, không thuộc về Trung Quốc. "Phía Trung Quốc đã tuyên bố không chịu trách nhiệm về việc ngư dân cướp tài sản", ông Hải cho biết.
Trong khi đó Việt Nam đã công khai cung cấp các bằng chứng cho thấy nhà nước phong kiến Việt Nam, ít nhất từ thế kỷ 17, đã xác lập chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa từ thời nó còn là lãnh thổ vô chủ. Năm 1946, lợi dụng bối cảnh sau thế chiến II, chính quyền của Tưởng Giới Thạch đã xâm nhập đảo Phú Lâm, bị chính quyền Pháp phản đối và sau đó họ Tưởng phải rút đi.
Thứ hai, các hội nghị quốc tế không giao Hoàng Sa cho Trung Quốc. Ông Hải tiếp tục đưa ra các bằng chứng lịch sử cho thấy chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là tại hội nghị San Francisco và cho đến tận trước năm 1974, Trung Quốc vẫn hoàn toàn ý thức Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam Cộng hòa.
Thứ ba, Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa và sử dụng vũ lực cho nên không thể thiết lập được chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm các đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa từ tay quân lực của Việt Nam Cộng hòa.
Thứ tư, Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Công thư năm 1958 không hề đề cập vấn đề chủ quyền. Trung Quốc tìm cách diễn giải sai văn bản này.
Công bố tài liệu về chủ quyền tại cuộc họp báo. Ảnh: Quý Đoàn
Trong hơn một tháng qua, Việt Nam đã có trên 30 cuộc giao thiệp ở các cấp và các kênh khác nhau, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống nhằm tạo một môi trường thuận lợi cho đối thoại. Tuy nhiên, Trung Quốc khăng khăng không rút giàn khoan và cũng không đàm phán.
"Như vậy, việc Trung Quốc nói cánh cửa đàm phán vẫn rộng mở là không đúng với thực tế. Việt Nam một lần nữa yêu cầu Trung Quốc giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982", ông Trần Duy Hải tuyên bố
Trung Quốc điều tàu quân sự đến gần giàn khoan
Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam, cho biết trong những ngày qua phía Trung Quốc duy trì khoảng 100 tàu trong đó có 6 tàu chiến, và các máy bay quân sự để thực thi cái gọi là bảo vệ giàn khoan 981.
Ngày 13/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp báo về giàn khoan 981 trong đó đưa ra thông tin hình ảnh sai lệch tình hình thực tế ở hiện trường, nói rằng các tàu Việt Nam đâm húc 1.547 lần các tàu Trung Quốc, làm các tàu Trung Quốc hư hỏng.
"Chúng tôi bác bỏ thông tin sai lệch phi lý trên. Thực tế, chỉ có tàu Trung Quốc chủ động đâm va phun nước, làm 36 lượt chiếc tàu Việt Nam hư hỏng. Trong đó gồm 23 tàu kiểm ngư, 5 tàu cảnh sát biển, và 7 tàu cá", và một tàu cá bị đâm chìm hẳn hôm 26/5, ông Thu cho hay. Các vụ đâm va của Trung Quốc khiến 15 kiểm ngư viên và hai ngư dân Việt Nam bị thương.
Ông Thu bác bỏ luận điệu của Trung Quốc cho rằng phía Việt Nam dùng người nhái và vật cản để tấn công tàu Trung Quốc. Khu vực gần 981 chính là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam, khi bị các tàu Trung Quốc đâm, đuổi, ngư dân phải bỏ lưới để cơ động, và tàu Trung Quốc còn thu cả lưới của ngư dân Việt Nam.
Lưới đánh cá và các vật trôi nổi Trung Quốc vớt được là những mảnh gỗ, thùng phi trôi tự do, hoặc do Trung Quốc đâm va dùng vòi rồng công suất lớn làm thùng phi, thùng sơn, khúc gỗ trên mặt boong các tàu cá bị văng xuống biển. Trung Quốc vớt lên cho là bằng chứng là trái sự thật", ông Thu nói thêm.
Đại diện cảnh sát biển Việt Nam một lần nữa khẳng định sự hiện diện của các tàu chiến và máy bay quân sự gần giàn khoan 981. Ông cho biết các phóng viên trong nước và quốc tế, cũng như lực lượng chấp pháp của Việt Nam đã ghi lại được số hiệu, số liệu tàu và máy bay.
Ông Hà Lê, Phó cục trưởng Cục Kiểm Ngư, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, bác bỏ thông tin của Trung Quốc cho rằng tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị đâm chìm hôm 26/5 là "do tự lật sau nhiều lần đâm húc tàu Trung Quốc và phía Trung Quốc đã cố vào cứu mà không được". Ông Lê khẳng định các tàu của Trung Quốc thậm chí còn có hành động ngăn cản không cho tàu Việt Nam vào cứu hộ 10 ngư dân bị rơi xuống nước.
Hình ảnh của một tàu hải cảnh mà Trung Quốc dùng để vu cáo tàu Việt Nam đâm va hơn 1.500 lần. Ảnh: Reuters
Đại diện cảnh sát biển công bố hình ảnh video cho thấy các tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu hộ vệ tên lửa, máy bay trinh sát của Trung Quốc sà rất thấp tại khu vực giàn khoan. Ông Ngô Ngọc Thu đặt câu hỏi nếu quả thực Trung Quốc thực hiện lệnh cấm biển từ tháng 6, vì sao lại đưa 40-60 tàu kèm đèn pha công suất lớn đến để thu hút cá.
Về việc Trung Quốc công bố hình ảnh mũi tàu của họ bị thủng và vu cáo là do tàu Việt Nam đâm, ông Thu lý giải người ta chỉ có thể dùng mũi để đâm tàu khác, không ai lấy mạn để đâm tàu. "Điều đó thật là phi lý", ông nói.
Việc lỗ thủng xuất hiện trên mũi tàu Trung Quốc chỉ càng cho thấy tàu nước này đã đâm tàu của Việt Nam.
"Trung Quốc nói tàu cá Việt Nam thường xuyên ngăn cản quấy rối tàu chấp pháp Trung Quốc là hoàn toàn vô lý. Xin khẳng định một lần nữa, các tàu cá Việt Nam chưa bao giờ có hành động ngăn cản quấy rối tàu Trung Quốc dù tàu Trung Quốc đang hoạt động trái phép tại vùng biển của Việt Nam", ông Hà Lê khẳng định.
''Trung Quốc phải rút ở Trường Sa'
Về việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc có yêu cầu Việt Nam rút khỏi 29 đảo đá ở quần đảo Trường Sa và nói rằng Việt Nam chiếm giữ trái phép, ông Trần Duy Hải tuyên bố rằng đề nghị của Trung Quốc hết sức vô lý.
"Việt Nam bác bỏ đề nghị phi lý đó của Trung Quốc, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa", ông Thu nói và khẳng định Việt Nam đã quản lý khai thác hòa bình liên tục trên quần đảo Trường Sa.
"Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm một số bãi trên quần đảo Trường Sa, do vậy chính Trung Quốc mới phải rút khỏi những bãi họ chiếm giữ bất hợp pháp năm 1988", phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia nói.
Về các thông tin cho rằng Trung Quốc đang đào đắp đất và xây dựng các công trình trên đá Gạc Ma và các bãi đá khác ở Trường Sa, ông Lê Hải Bình cho biết Việt Nam kiên quyết phản đối hành động phi pháp đó của Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc nghiêm túc tôn trọng chủ quyền Việt Nam, tôn trọng Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động xây dựng trái phép cũng như các hoạt động đơn phương khác và không để tái diễn hành động tương tự trong tương lai.
Trong chuyến công du tới Hà Nội tới đây của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, tình hình căng thẳng ở Biển Đông chắc chắn sẽ là chủ đề được bàn đến, ông Bình cho hay.
Vu cáo
Trước đó, ngày 9/6, trong thư gửi đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Trung Quốc nêu một loạt cáo buộc vu khống Việt Nam ngăn cản hoạt động của giàn khoan 981. Trung Quốc vu cho Việt Nam cử một lượng lớn các tàu, gồm tàu quân sự, người nhái, thả chướng ngại vật để ngăn cản hoạt động của giàn khoan và cản trở hoạt động của các tàu thuyền hộ tống của Trung Quốc.
Cũng trong tài liệu trên, Trung Quốc cho rằng Việt Nam vi phạm chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực giàn khoan, đe dọa an toàn với các lực lượng Trung Quốc đang thực thi nhiệm vụ. Văn bản còn thể hiện luận điểm xuyên tạc sự thật khi cho rằng Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã thực hiện thăm dò ở vùng này trong 10 năm qua và hoạt động của giàn khoan "là sự tiếp nối quá trình thăm dò thông lệ".
Ngoài công thư gửi Liên Hợp Quốc, các quan chức Trung Quốc cũng nhiều lần vu cáo Việt Nam đâm va tàu cá và tàu chấp pháp của họ tại Hoàng Sa. Mới đây nhất, Phó vụ trưởng các vấn đề Biên giới và Hải dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dịch Tiên Lương nói rằng các tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc hơn 1.500 lần kể từ đầu tháng 5.
Trong khi đó, suốt một tháng rưỡi qua, lực lượng Cảnh sát Biển và Kiểm ngư Việt Nam luôn kiên trì bám sát hiện trường, ngư trường và đấu tranh bằng biện pháp hòa bình nhằm buộc Trung Quốc ngừng xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Trước hành vi của Trung Quốc, Việt Nam đã ba lần gửi công hàm tới Tổng thư ký Ban Ki-moon và đại diện các nước và tổ chức quốc tế, thông báo rõ tình hình. Đến nay Việt Nam đã có trên 30 cuộc giao thiệp ở các cấp và các kênh khác nhau, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống nhằm tạo một môi trường thuận lợi cho đối thoại. Trung Quốc không những không đáp ứng tích cực yêu cầu của Việt Nam cũng như kêu gọi của cộng đồng quốc tế, mà còn tiếp tục những hành vi sai trái.
Hôm 11/6, Liên Hợp Quốc cho biết sẵn sàng làm trung gian hòa giải Việt Nam và Trung Quốc, sau khi cả hai nước gửi công hàm liên quan đến căng thẳng trên Biển Đông lên Tổng thư ký Ban Ki-moon.
Trọng Giáp - Việt Anh