Quyết định về áp thuế chống bán phá giá chính thức với một số sản phẩm chất tạo ngọt (soribitol) có xuất xứ từ Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc vừa được Bộ Công Thương ban hành sau thời gian điều tra vụ việc.
Theo đó, mức thuế chống bán phá giá với chất tạo ngọt nhập khẩu từ Trung Quốc là 57,55-68,5%. Thuế áp với sản phẩm loại này từ Ấn Độ là 52,75% và Indonesia là 44,39%.
Việc điều tra chống bán phá giá với sản phẩm chất tạo ngọt nhập khẩu từ các quốc gia trên được Bộ Công Thương tiến hành từ cuối năm 2020 trên cơ sở đề nghị của ngành sản xuất trong nước.
Theo kết quả điều tra, lượng hàng nhập khẩu từ 3 quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia gia tăng đột biến và bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Việc áp thuế chống bán phá giá với chất tạo ngọt nhập từ 3 nước này, theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Từ đó nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Chất sorbitol được sử dụng khá nhiều trong phụ gia thực phẩm, được Bộ Y tế cấp phép cho vào trong thực phẩm ở mức độ quy định nhằm đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người sử dụng.
Theo cơ quan phòng vệ thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại là một phần tất yếu không thể tách rời của quá trình hội nhập quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã ứng phó 208 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài với hàng sản xuất, xuất khẩu trong nước, chủ yếu tập trung ở các mặt hàng sắt thép, thuỷ sản, dệt may, gỗ... Trong nhiều vụ việc, Việt Nam đã thành công trong chứng minh Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, đã có 23 vụ việc phòng vệ thương mại (một nửa trong số này là các vụ việc chống bán phá giá) được Bộ Công Thương khởi xướng điều tra tính đến tháng 11. Các biện pháp này đã tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, phát triển các ngành sản xuất trong nước.
Anh Minh