Sự kiện "Kết nối đổi mới sáng tạo Việt - Mỹ" diễn ra sáng 7/3 tại Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam là một trong những hoạt động đầu tiên thuộc sáng kiến Kết nối Mỹ - ASEAN, được Tổng thống Barack Obama thông báo tại Hội nghị Mỹ - ASEAN tại Sunnylands, California, ông Thorne cho biết.
Ông Obama đã cùng lãnh đạo 10 nước thuộc Hiệp hội có cuộc gặp cấp cao đầu tiên tại Mỹ trong hai ngày 15-16/2. Hội nghị đã bàn về phương hướng và biện pháp triển khai quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ, khuôn khổ vừa thiết lập năm ngoái.
Tại "Kết nối đổi mới sáng tạo Việt - Mỹ", cùng với gian hàng trưng bày của 25 doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp (start-up) của Việt Nam, 6 đại diện các công ty lớn của Mỹ cũng có mặt.
Ông Thorne cho hay, một trong những trụ cột của Kết nối Mỹ - ASEAN là hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đông Nam Á. Kết nối Mỹ - ASEAN sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai khu vực. Thương mại song phương giữa hai khu vực đã tăng gấp ba lần kể từ những năm 1990 và đạt 250 tỷ USD trong 2014. Doanh nghiệp Mỹ đóng góp cao nhất trong tổng nguồn FDI vào ASEAN, trong khi các nước này cũng đang gia tăng đầu tư vào Mỹ.
"Một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện trên toàn thế giới, thông qua những mô hình kinh doanh mới và tôn vinh doanh nhân đổi mới sáng tạo", ông Thorne nói khi lý giải vai trò của mình là cố vấn của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Theo Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng, mô hình tăng trưởng dựa vào gia tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo đã không còn thích hợp với Việt Nam. Nếu không có các giải pháp phát triển đột phá, đặc biệt là dựa vào nhân tố KHCN và đổi mới sáng tạo, Việt Nam khó có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, thậm chí khó vượt khỏi mốc quốc gia thu nhập trung bình thấp trong tương lai gần.
Bộ KHCN cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng hành lang pháp lý về đầu tư mạo hiểm và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, triển khai đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp doanh nghiệp mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.
"Việt Nam hy vọng tạo môi trường để kết nối các doanh nghiệp của Mỹ, các quỹ đầu tư mạo hiểm và các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam, cũng như các cá nhân quan tâm đến đổi mới sáng tạo", ông Tùng cho hay.
Năm 2015 Việt Nam đã tăng 19 bậc về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đứng thứ 52/141 quốc gia, xếp hạng chỉ số cạnh tranh toàn cầu tăng 12 bậc, xếp thứ 56/140 quốc gia. Năm 2016 Bộ KHCN sẽ tổ chức sân chơi Tech Fest lần thứ hai cho các tổ chức, cá nhân đam mê công nghệ.
Ông Thorne cho biết thêm, tại Mỹ, các doanh nghiệp được thành lập dưới 5 năm đóng góp gần như toàn bộ cho tăng trưởng việc làm mới trong khu vực tư nhân của Mỹ trong 25 năm qua. Khởi nghiệp là động cơ thúc đẩy tăng trưởng việc làm và thịnh vượng quốc gia. Việc đó không thể thực hiện được nếu các nước bị hạn chế bởi môi trường chính sách khắc nghiệt và cơ sở hạ tầng công nghệ chưa phát triển.
"Cần đẩy mạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ, tăng cường chuyển giao kết quả nghiên cứu từ các trường, các viện ra doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của công nghệ trong ngành tài chính, từ đó thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. Chúng ta cũng cần nới lỏng các chính sách về lao động, tăng cơ hội về đào tạo việc làm", ông Thorne nói.
Cố vấn của Ngoại trưởng Mỹ lưu ý ngành công nghiệp năng lượng sạch trên thế giới có tốc độ phát triển, mở rộng nhanh gấp hai lần so với nền kinh tế nói chung. Với ngành công nghiệp năng lượng mặt trời, con số này hơn gấp 10 lần. Trong 15 năm tới, ước tính 17.000 tỷ USD sẽ được đầu tư cho công nghiệp năng lượng, chủ yếu là năng lượng sạch. Đây là cơ hội lớn để phát triển kinh tế với mọi quốc gia.
Ông Thorne thông báo Hội nghị thượng đỉnh về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo toàn cầu lần thứ 7 sẽ được tổ chức tại thung lũng Silicon vào mùa hè này. Các cá nhân khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, các nhà đầu tư trên khắp thế giới, cùng đến chia sẻ . Ông mong có sự hiện diện của phía Việt Nam.
Việt Anh