Theo luật hiện hành, Chính phủ phải quyết định 2 lần về vấn đề đất đai đối với các dự án: vừa phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của các địa phương, vừa ra quyết định giao đất, cho thuê đất. Dự thảo sửa đổi theo hướng Thủ tướng Chính phủ chỉ giao đất, cho thuê đất đối với các dự án đầu tư sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án sử dụng đất đô thị từ 5 ha trở lên. Còn các trường hợp khác phân cấp cho UBND tỉnh, thành phố. Riêng UBND huyện, thị và thành phố thuộc tỉnh được phân cấp giao đất cho hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở. Thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ không phân chia theo khu vực như hiện hành mà chỉ thực hiện tại UBND cấp xã hoặc cấp huyện thông qua cơ quan địa chính.
Dự thảo cũng đề xuất giao Chính phủ thẩm quyền quy định các trường hợp cho thuê đất thời hạn từ trên 50-70 năm (hiện nay, thẩm quyền này thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng thực tế chưa có quy định và hoàn toàn chưa thực hiện trong khi nhiều nhà đầu tư mong muốn thuê đất lâu dài đối với các dự án đầu tư dài hạn).
Tờ trình nêu ra 3 vấn đề hiện còn nhiều ý kiến khác nhau:
1 - Có cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài được thuê đất xây dựng nhà để cho người nước ngoài thuê hoặc bán cho người Việt Nam không?
2 - Có nên giao thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ quan địa chính để giảm bớt thủ tục hành chính và đẩy mạnh tiến độ cấp giấy?
3 - Cần sửa đổi Luật Đất đai một cách toàn diện để giải quyết cơ bản và đồng bộ các quan hệ đất đai hiện nay chứ không chỉ sửa một số điều.
Một thành viên Ban soạn thảo sửa đổi Luật Đất đai cho biết, có lẽ kỳ họp Quốc hội tới chỉ sửa một số điều, còn việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai sẽ được tiến hành sau khi sửa đổi Hiến pháp và các luật tổ chức bộ máy nhà nước. (Theo Tuổi Trẻ, 4/1).