Một người Việt tránh bão ở Houston. (AFP) |
Là chủ một dây chuyền bán bánh kẹp, Le từ San Jose trở về Biloxi sau cơn bão Katrina khủng khiếp để tận mắt chứng kiến những gì còn sót lại của một cộng đồng anh đã lâu công xây dựng. Le từng giúp thiết lập nhà máy chế biến hải sản đầu tiên của người Mỹ gốc Việt ở Biloxi, và là chủ của 10 cơ sở kinh doanh và nhà ở đã bị cuốn sạch trong cơn bão.
Katrina san phẳng rất nhiều nhà và cơ sở kinh doanh của người châu Á ở thị trấn. Nó đánh tan tành những cảng nhỏ, nơi ngư dân người Việt để những con tàu của mình cũng như các xưởng chế biến tôm, những con tôm mà họ phải đi biển hàng tháng ròng mới mang về được.
Le cố gắng để nước mắt khỏi trào ra trong khi anh nói về những mất mát.
"Có vô vàn mất mát mà anh không thể thấy trên TV", Le nói. "Đây, khi chúng tôi về thì cả còn gì cả".
Cũng như những người gốc Việt khác đang cố phục hồi cuộc sống sau bão, Le đã không thổi phồng nỗi đau của mình. Giờ có quá nhiều việc phải làm.
Một dòng người Mỹ gốc Việt, hầu hết là mất nhà cửa và công ăn việc làm, đang dần trở về. Họ tới văn phòng mà Le mượn tạm của một ngân hàng địa phương để điền vào các giấy tờ xin trợ giúp của Cơ quan cứu trợ khẩn cấp (FEMA). Trong khi đó các tình nguyện viên bổ đi tìm bác sĩ, luật sư và phiên dịch viên, tổ chức những chuyến hàng cứu trợ và hoạt động gây quỹ từ thiện.
Phụ nữ Mỹ gốc Việt ỏ Biloxi nhặt nhạnh tôm cá trước khi bán ở chợ. |
Hơn 5.000 cư dân người Mỹ gốc Việt sống ở Biloxi đã chạy lên phía bắc hoặc đông để tránh bão, nhưng còn hơn 1.000 người bị kẹt trên các tàu thuyền và không biết đi đâu. Hiện khoảng 200 người mất nhà cửa đang dựng lều cạnh một ngôi chùa. Ước tính 2000 người sẽ phải di dời.
Cộng đồng người Việt ở San Jose - nơi có đông người Việt nhất trong các thành phố Mỹ - và trên cả nước này đang ủng hộ những người bị bão, Le nói. Hôm thứ sáu vừa rồi, họ đã tổ chức cuộc vận động gây quỹ cho những người bị bão, với hy vọng quyên 100.000 USD cho Hội chữ thập đỏ Mỹ.
Hiện tại Houston, cộng đồng người Việt đã thu được 3 xe tải, gồm mì ăn liền, gạo, đậu nành... sẵn sàng lên đường. Vấn đề là phải tìm được kho chứa ở Biloxi. "Hiện chưa có nơi để hàng", Le cho biết.
Khoảng 80% người Việt ở các vùng ven Vịnh Mexico làm việc trong ngành thủy sản, đánh bắt cá. Một phần làm trong các sòng bạc và giàn khoan dầu. Hầu hết họ nghèo và không có bảo hiểm.
Philip Tran và vợ cùng hai con chạy khỏi Biloxi tránh bão, và đã trở lại nơi mà trước đó là nhà của họ. Giữa đống đổ nát của căn nhà, vợ Tran tìm được chiếc khung ảnh vỡ có tấm ảnh đứa con 2 tuổi. Cô ôm lấy tấm ảnh trong lòng và khóc trong khi gỡ những miếng kính dính trên mặt con.
Tran đã sống ở Biloxi 21 năm, nhưng giờ đây đang phân vân không biết có nên ở lại nơi này. "Ở hay đi phụ thuộc vào việc chính quyền địa phương sẽ làm gì và liệu chúng tôi có tìm được việc làm hay không".
Một người đàn ông tên là Cody Tran, 41 tuổi, nói: "Tôi đã làm việc ở đây 23 năm, chỉ có làm và làm. Thế mà bão lấy sạch của tôi tất cả, chỉ trong vòng 12 tiếng đồng hồ". Tran không có bảo hiểm.
"Ở đời cũng có chuyện buồn chuyện vui, nhưng tôi không thể tưởng tượng lại có chuyện thế này xảy ra", Tran đứng giữa đống đổ nát của ngôi nhà mình, vừa nói vừa nhìn chằm chằm vào khoảng không.
"Tôi lại trắng tay, nhưng lần này thêm 1 triệu USD tiền nợ".
Bên cạnh ngôi chùa của thị trấn, Bay Do 55 tuổi, nói về số phận và cho biết ông chấp nhận số phận, coi chùa là nhà mới của mình.
"Phải chấp nhận số phận thôi", ông nói và cười nhẹ. Do có 100 USD trong túi, một chiếc áo phông, một quần soóc và một hình xăm ngoằn nghoèo như cây leo bò trên cánh tay. Ngoài ra, không còn gì hết.
Tệ hơn nữa là vợ ông đã bị bắt vì nghi ngờ "hôi của", Do cho biết với vẻ ngượng nghịu. Sống ở Mỹ đã hơn hai mươi năm, ông vẫn hầu như không nói tiếng Anh và không hiểu cảnh sát nói gì.
Nhiều ngư dân người Việt đã đưa tàu thuyền đi tránh bão phía sâu trong Vịnh, và giờ mắc kẹt vì các chướng ngại vật cản những con kênh. Chướng ngại cũng đang nằm la liệt trên ngư trường của họ, những mảnh vỡ của các tàu bị sóng đánh chiếm mất lối vào các cảng cá.
Nhiều người cho rằng phải mất ít nhất một năm mới có thể vực dậy nghề thủy sản ở đây. Điều đó có nghĩa là ngư dân có thể phải làm không công một năm cho các chủ tàu, hoặc phải tự bươn chải để xây dựng lại cuộc sống.
T. Huyền (theo San Jose Mercurry News, Reuters)