Khoảng 400 kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ hôm nay tham dự "Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4" và "Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024" tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức trong khuôn khổ hội nghị.
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào tại Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, cho rằng môi trường đầu tư ở Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt nhờ các chính sách mới, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, kinh tế, giáo dục và khoa học công nghệ, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Điều này đã tạo các cơ chế thuận lợi, không chỉ thu hút nguồn vốn mà còn là sự trở về của tri thức, kinh nghiệm và tinh thần sáng tạo từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam cần tăng cường tính minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, xem xét cơ chế một cửa dành cho kiều bào, nơi có thể cung cấp thông tin, tư vấn và giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư.
Nhấn mạnh vào thu hút nhân tài, nhất là thế hệ trẻ từ cộng đồng kiều bào, ông đề xuất chính phủ có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên kiều bào về thực tập, khởi nghiệp, tham gia các dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới, góp phần phát triển đất nước.
Ông cũng đề nghị chính phủ áp dụng cơ chế sandbox, cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép.
Đối với chiến lược phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực, ông đề nghị cần tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho những dự án hạ tầng dữ liệu quốc gia, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, thúc đẩy chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời có cơ chế đặc biệt để thúc đẩy những vườn ươm công nghệ, có chính sách khuyến khích kiều bào tham gia phát triển du lịch và đầu tư bán lẻ du lịch.
Đề xuất xây dựng đại học tầm cỡ châu Á về AI
Tiến sĩ Lê Viết Quốc, "quái kiệt AI" của tập đoàn Google, cũng cho rằng Việt Nam nên tập trung phát triển mạnh mẽ các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, đặt ra những mục tiêu quốc gia đầy tham vọng, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực như y tế công cộng, giao thông và nhiều lĩnh vực khác.
"Xu thế phát triển của trí tuệ nhân tạo sẽ là một thách thức lớn khi nhiều công việc truyền thống bị tự động hóa. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội vô cùng lớn cho Việt Nam. Trong khi nhiều quốc gia khác tiếp tục bị ràng buộc bởi các công việc hiện tại, Việt Nam có thể tiến lên phía trước và phát triển cùng với trí tuệ nhân tạo", TTXVN dẫn lời ông Quốc.
Ông cho rằng Việt Nam nên đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ở bậc đại học, cụ thể là xây dựng một trường đại học tầm cỡ châu Á về trí tuệ nhân tạo, với các chương trình đào tạo chuyên sâu ngay từ những năm đầu.
"Sau khi đã đầu tư vào con người, chúng ta cần phải tìm cách tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Cách tốt nhất để thực hiện điều này là đầu tư vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp", ông Quốc nói.
Ông cũng đề xuất Việt Nam thành lập một hội đồng cố vấn cấp cao về chip và trí tuệ nhân tạo. Đây là những lĩnh vực đang phát triển với tốc độ chóng mặt và hội đồng này sẽ giúp đưa ra những quyết sách nhanh chóng và chính xác trong các lĩnh vực mũi nhọn này.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt mong muốn đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tích cực tham gia đóng góp vào các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở trong nước.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị các trí thức, chuyên gia Việt kiều đề xuất những giải pháp thiết thực để Việt Nam có thể thực hiện việc chuyển đổi nhanh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, dẫn dắt, kết nối đưa khoa học và công nghệ trong nước hội nhập với khoa học và công nghệ thế giới.
Bộ trưởng cũng mong kiều bào cung cấp kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia phát triển, hỗ trợ thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tham mưu cho công tác quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng hội nghị là diễn đàn trao đổi chuyên sâu giữa kiều bào với trong nước về những vấn đề mang tính chiến lược trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và các nội dung liên quan tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định kiều bào trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Trong hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt khoảng 230 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ.
Tính đến hết năm 2023, người Việt ở nước ngoài đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD, cùng với đó là hàng nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
"Đây là những con số có thể định lượng, bên cạnh đó còn rất nhiều đóng góp về chất xám, trí tuệ không thể cân đong đo đếm", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu.
Hội nghị năm nay diễn ra ngày 22-24/8 với chủ đề "Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước". Trong hội nghị, Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính là cơ hội để các chuyên gia, trí thức kiều bào hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước, mở rộng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo.
Vũ Anh