"Tôi rất phấn khích khi về Việt Nam đón Tết năm nay, tôi lại được ngắm hoa đào tràn ngập trên phố, nhìn mọi người hối hả mua sắm và hoà vào không khí rộn ràng", chị Nguyễn Ngọc, một người Việt đang sống ở Osaka, Nhật Bản, chia sẻ với VnExpress, khi tham dự chương trình Xuân Quê hương 2019.
Quê ở Đồng Nai nhưng ba mẹ đã mất, năm nay chị Ngọc đón Tết ở Hà Nội và coi đó là "Tết ở quê". So sánh với không khí ở Nhật Bản, chị Ngọc cho hay bình thường vẫn phải đi làm nếu dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam diễn ra vào ngày trong tuần, vì người Nhật đón Tết Dương lịch. Chỉ khi nào Tết trùng vào ngày cuối tuần, chị và gia đình mới có thời gian đi chùa để đón năm mới. Là một người làm kinh doanh, chị Ngọc mong năm Kỷ Hợi sẽ là một năm vàng với cá nhân mình và cả mọi người.
Anh Ngô Hải, một người Việt đang sống ở Ukraine, nói rằng anh thấy mọi người đi đường tỏ ra thân thiện với nhau hơn, dường như Việt Nam đang có dư âm của niềm vui mà đội tuyển bóng đá quốc gia mang lại. Anh cho biết gia đình mình ở Ukraine bình thường vẫn duy trì phong tục đón Tết Nguyên đán dù bà xã là người sở tại, mâm cơm luôn có đủ các món truyền thống. Trước Tết vài tuần, anh Hải chặt một cành mơ về để trước nhà, chờ cây trổ hoa để thay cho cành đào.
"Tôi ở xa về Việt Nam nhìn thấy gì ở đây cũng bồi hồi, tình cảm dành cho quê hương vẫn đong đầy. Mong rằng năm mới mọi người đều gặp may mắn và tràn ngập hạnh phúc", anh Hải nói.
Phạm Thị Thu Hiền, đang sống ở Ba Lan, cho biết đây là lần thứ hai cô về Việt Nam ăn Tết kể từ 2012. Không khí trên phố, nhạc xuân vang lên khắp nơi khiến cô "vừa mừng vừa tủi" nhớ lại các năm trước đón Tết ở Ba Lan, khi cùng hai con gái cặm cụi cắt những bông hoa đào từ giấy màu, gắn lên cành cây khô để trang trí. Hiền hy vọng công việc kinh doanh nhà hàng của mình trong năm mới sẽ phát đạt và có thời gian giúp đỡ những người khó khăn trong cộng đồng.
Nguyễn Khánh Linh, tiến sĩ Vật lý tại Paris, Pháp, miêu tả dù cùng các bạn tổ chức nhiều hoạt động ở nước ngoài, nhưng "về quê mới thực sự là Tết". Anh háo hức chờ đến ngày về quê ở Quảng Bình, đưa ba mẹ đi chọn cành đào và hoa quả để trang trí nhà cửa. Anh mong sang năm mới sẽ tăng cường hơn nữa việc kết nối trí thức Việt ở nước ngoài và trong nước để những công nghệ hiện đại được áp dụng ở Việt Nam.
Ngọc, Hải, Hiền và Linh nằm trong số gần 1.000 Việt kiều ở khắp các nơi trên thế giới về Việt Nam tham dự chương trình Xuân Quê hương 2019 do Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức thường niên.
Phát biểu trong lễ đón năm mới, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tối 26/1 khẳng định với đất nước và dân tộc Việt Nam, kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu, luôn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Tổ quốc và Chính phủ luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ các người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà".
"Đảng và Nhà nước Việt Nam hết sức trân trọng những ý kiến tư vấn, tham mưu của các nhà khoa học Việt kiều nhằm giúp đất nước nhanh chóng tiếp cận với trình độ tiên tiến về khoa học - công nghệ của thế giới, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra hiện nay", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
Khánh Lynh