Những nhiêu khê trong việc xác nhận và giữa quốc tịch Việt Nam là vấn đề được nhiều Việt kiều phản ánh nhất trong buổi họp mặt cuối năm Bính Tuất với Ủy ban đối ngoại Quốc hội. Ông Trần Quốc Thịnh, từ Mỹ muốn hồi hương về Việt Nam theo quy định cần phải xin giấy đăng ký quốc tịch Việt Nam.
Tuy nhiên số an sinh xã hội của ông Thịnh được Mỹ cấp từ năm 1975 đã bị mất bản chính, chỉ còn bản photocopy nhưng cũng chỉ còn 5/9 chữ số. "Đại sứ quán Việt Nam nhận hồ sơ xin cấp giấy đăng ký quốc tịch nhưng một mực yêu cầu tôi nộp bản chính, mặc tôi trình bày giải thích bằng mọi cách. Tại sao ta không linh động giải quyết hơn?", ông Thịnh bức xúc.
![]() |
Ủy ban đối ngoại Quốc hội gặp mặt đại diện kiều bào xuân Đinh Hợi sáng ngày 8/2. Ảnh: P.A. |
Ông Nguyễn Tấn Đức, Việt kiều Đức cũng bị vướng trong việc xin đăng ký quốc tịch Việt Nam nhưng ở khía cạnh khác. Vợ ông Đức có tên hồi con gái là Trương Thị Lệ Sinh. Theo luật Đức, vợ chồng kết hôn, vợ phải mang họ chồng, nên khi ông bà cưới nhau, bà Sinh đã phải đổi họ thành Nguyễn. Nay ông bà muốn hồi hương về Việt Nam, chính quyền Đồng Nai khi trích lục giấy khai sinh bà Sinh thấy khác họ đã kiên quyết không chịu làm thủ tục.
Bà Sinh đã phải nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức xác nhận 2 họ của bà Sinh là của một người, có cả giấy chứng nhận từ chính quyền Đức. Tất cả đều vô ích. "Vợ tôi đã chờ 3 tháng nay nhưng vẫn chưa được giải quyết, mà bây giờ cũng không biết phản ánh với ai, ở đâu về trường hợp của mình", ông Đức cho biết.
Theo đại diện Bộ Tư pháp, trong năm qua, bộ này đã trình Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch đối với 12.613 trường hợp, trong khi đó chỉ có 46 trường hợp nhập quốc tịch Việt Nam và cho trở lại quốc tịch 26 người. Sự vênh nhau giữa con số thôi quốc tịch với trở lại quốc tịch khiến Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh đặt dấu hỏi, liệu thủ tục giữ quốc tịch cho kiều bào của Việt Nam có phải quá khó khăn, vướng mắc.
Đại diện Bộ Tư pháp giải thích, trên thực tế các trường hợp phải thôi quốc tịch Việt Nam là do quy định luật pháp của nước sở tại, buộc người nhập cư muốn trở thành công dân nước đó phải thôi quốc tịch gốc. Quy định này phổ biến ở Đức, Đài Loan... "Trong số được thôi quốc tịch, có đến gần 10.000 trường hợp là các cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan nên phải đổi quốc tịch theo chồng", đại diện Bộ Tư pháp cho biết.
Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Vũ Mão cho rằng, cần phải đề xuất với Chính phủ xem xét lại Luật Quốc tịch, vốn ra đời từ năm 1998 nên không phù hợp với tình hình hiện nay, có nhiều quy định chặt chẽ, khắt khe nên gây khó khăn cho người Việt Nam ở nước ngoài muốn giữ quốc tịch, hoặc về nước sinh sống.
![]() |
Các Việt kiều trí thức từ Nhật, Bỉ, Mỹ này đã về nước góp sức phát triển kinh tế. Ảnh: P.A. |
Nhiêu khê giảm nhưng chưa hết
"3 năm qua, Nghị quyết 36 xem kiều bào như một bộ phận của cộng đồng vẫn chưa được thực hiện như mong đợi, rất chậm. Cụ thể nhất là vấn đề nhà ở cho Việt kiều đã có nhiều chính sách mới nhưng còn rất vướng", ông Nguyễn Đăng Hưng, Việt kiều Bỉ nhận xét.
Ý kiến của ông Hưng được Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài tại TP HCM Nguyễn Chơn Trung chia sẻ: "Nói và làm của chúng ta chưa đi đôi với nhau". Còn Giáo sư Việt kiều Đặng Lương Mô thì nhận xét: "Quốc hội và hành pháp của Việt Nam vẫn còn một khoảng cách".
Mặc dù trong năm qua, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và thu hút kiều bào về nước như: Luật đất đai cho phép Việt kiều được mua nhà ở gắn với quyền sử dụng đất và ngược lại; đơn giản hóa các thủ tục trong cấp giấy chứng nhận quốc tịch, cấp thị thực tại sân bay... nhưng theo các Việt kiều, nhiêu khê có giảm nhưng không hết. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong các thủ tục cấp visa, mua nhà ở... cũng được kiều bào phản ánh như ung nhọt làm giảm hình ảnh của một Việt Nam đổi mới.
Ông Đặng Lương Mô kể, chỉ có những trường hợp Việt kiều đặc biệt mới được duyệt cấp thị thực ngay tại sân bay, người bình thường đều bị từ chối. Trong khi đó, nếu ông sử dụng dịch vụ, mất 50 Euro thay vì 25 USD lệ phí thông thường, là 2 ngày sau đã có visa trong tay. Việt kiều Nguyễn Như Khuê còn khẳng định, có cả những đường dây chạy visa nhập cảnh.
Nhiều đại diện Việt kiều đề nghị, nhà nước nên lập hẳn một trung tâm dịch vụ dành cho kiều bào (ngoài Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài). Thậm chí, ngay tại Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài cũng phải "trang bị" 4-5 luật sư thường trực, để hỗ trợ tư vấn cho kiều bào trong những trường hợp hết sức cụ thể.
Phan Anh