Linh cữu của mẹ Việt Hương đặt trong không gian yên tĩnh của ngôi chùa Ân Quang, tại TP HCM. Di hài của mẹ cô mới được chuyển từ Củ Chi lên thành phố nên chưa có nhiều quan khách đến thăm viếng. Việt Hương cũng không có số điện thoại ở Việt Nam, nên mọi liên lạc đều qua người bạn thân của cô là diễn viên hài Hoàng Mập. Tại lễ tang, một số người thân phụ giúp Việt Hương đón khách. Chị gái cô nhiều đêm không ngủ nên tranh thủ ngả lưng bên cạnh quan tài mẹ.
Chỉ một mình nữ diễn viên ngồi bàn tiếp khách, lâu lâu lấy tay quệt giọt nước mắt, ngó về di ảnh của mẹ. Hai mắt cô sưng húp, thân hình tiều tụy thấy rõ.
“Tôi thấy có lỗi quá. Mẹ mất mà tôi không ở bên cạnh. Do tôi bôn ba nhiều, đến phút cuối không được nghe mẹ trăng trối câu nào. Nỗi đau này chắc sẽ đi với tôi suốt chặng đường đời và nhắc nhở cho tôi phải cố sống tốt, để mẹ tôi có ở đâu đi nữa thì cũng yên tâm trong lòng".
Trước lúc qua đời đột ngột, mẹ Việt Hương còn ra ao sen trước nhà trồng thêm bông súng cho đẹp để chờ con gái về. Rồi bà vào nhà lau bàn thờ để đón rằm. Mấy giờ sau đó, bà ra đi khiến con cái chưa kịp chuẩn bị tinh thần. Câu nói đùa với con của bà: “Sau này tao chết chắc chỉ có người dân nước lã chứ con cái thì đi xa hết” không ngờ trở thành sự thật.
Khi nhận được hung tin mẹ qua đời, Việt Hương không tin và cứ nghĩ mọi người trong gia đình bấn loạn quá nên nhắn nhầm giữa mẹ với bà ngoại đã 94 tuổi. Đến khi biết việc mẹ mất là chính xác, nữ diễn viên bình tĩnh đặt vé máy bay. “Đầu tôi lúc đó giống như ai lấy cây đập vào não. Tôi chỉ biết làm sao mua vé thật sớm để về với mẹ”. Chỉ đến khi thấy quan tài của mẹ ở nhà, nữ diễn viên mới đau đớn bật khóc. Nhưng cô không cho phép mình quỵ ngã bởi phải "giữ tinh thần tỉnh táo để làm tang cho mẹ được chu đáo".
Tuổi thơ của cây hài 37 tuổi không êm đềm. Bố mẹ cô ly dị khi cô còn nhỏ. Hai chị em cô về sống với mẹ. Năm lên 13 tuổi, người chị về sống với ba. Chỉ còn Việt Hương cùng mẹ che chở cho nhau.
15 tuổi, Việt Hương đã đi hát để mưu sinh chứ không phải vì mơ ước nào khác. Thương mẹ sống khổ lại không muốn đi bước nữa vì sợ cha dượng không thương con gái mình, cô tìm mọi cách kiếm tiền đỡ đần cho bà. "Tuy khổ nhưng bữa cơm của hai mẹ con với tô canh rau muống, đĩa cá nục chiên vẫn vui, vẫn hạnh phúc", Việt Hương nhớ lại. Bước ngoặt cuộc đời đến vào năm 18 tuổi, Việt Hương may mắn vào học trường Sân khấu - Điện ảnh TP HCM. Là sinh viên xuất sắc, cô có được tiền học bổng 55.000 đồng mỗi tháng. Ở năm 1994, số tiền này với cô "lớn như một căn nhà". Hai mẹ con vì vậy có được miếng cơm, không sợ đói.
Không chỉ che chở nhau trong cuộc sống, mẹ còn luôn bên cạnh Việt Hương động viên, chia sẻ trên bước đường nghệ thuật.
Việt Hương nhớ về lần chạm ngõ nghề diễn là lúc cô gật đầu trước câu nói của thầy Nguyễn Công Ninh: “Em có tự tin đóng được vai thứ chính không?”.
Tất cả những gì Việt Hương làm từ DVD, vở kịch nhỏ 3-5 phút hay kịch dài đều có sự góp ý của mẹ. Là khán giả khó tính nhất của con gái, bà luôn khuyên con đừng nhận nhiều vai diễn nếu thấy không phù hợp.
Năm 2006, Giải thưởng truyền hình (HTV Awards) lần đầu tiên tổ chức, nhóm hài Việt Hương đoạt giải. Mẹ Việt Hương đã vì thành công của con gái mà xuất hiện trước công chúng. Thời khắc ấy, khi cầm cúp trên tay, nữ diễn viên dành lời cảm ơn đến mẹ mình. Nhờ có bà mà cô có nghị lực, vượt qua tất cả khó khăn để đạt được thành tựu trong cuộc sống.
Giờ ngồi trước linh cữu người đã khuất, cô tâm niệm: “Sau này có giải gì, tôi cũng sẽ không nhắc đến mẹ, vì tôi không muốn làm mẹ xúc động. Dù ở đâu, mẹ tôi cũng sẽ nhìn thấy được sự quan tâm của khán giả dành cho tôi và tiếp bước cho tôi thành công”.
Tâm nguyện của mẹ Việt Hương là muốn đi du lịch ở Trung Quốc nhưng cô vẫn chưa làm tròn. Vì muốn làm cho mẹ bất ngờ nên nữ diễn viên định tháng 10 này sẽ về Việt Nam dẫn bà đi nhưng đã không kịp.
"Nhiều lần, tôi khuyên mẹ sang bên Mỹ sống cùng nhưng mẹ còn chần chừ vì bà ngoại lớn tuổi. Lỡ bà ngoại có chuyện gì thì mẹ tôi sẽ không về kịp. Không ngờ, tôi chính là người về không kịp khi mẹ qua đời".
Tâm Giao