Việt Hoàn đang ở độ chín muồi nhất của nghề hát, vừa được công chúng yêu thương, cổ vũ, vừa được giới nghề đánh giá cao. |
- Từ một chàng trai quê lúa trở thành một nghệ sĩ ưu tú, anh đã trải qua con đường này ra sao?
- Tôi xuất thân từ một gia đình làm nghệ thuật, bố mẹ đều là nghệ sĩ của đoàn cải lương Thái Bình. Cha mất sớm từ năm tôi 6 tuổi, mẹ vất vả nuôi 6 người con trưởng thành. Tôi nhớ mẹ tôi thường xuyên nhịn bữa trưa ở đoàn, cất suất cơm đó đi dành cho tối, rồi lấy tiền suất cơm tối về nuôi các con. Vì thế, tôi luôn ao ước thoát khỏi cảnh nghèo. Sau lần đoạt giải Giọng hát hay Thái Bình, tôi được Đoàn ca nhạc Công an Hải Phòng tuyển về. Từ tấm gương vất vả của mẹ, tôi không muốn theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Run rủi, tôi gặp được NSND Lê Dung và được chị lôi kéo thi vào Nhạc viện.
Trong suốt bốn năm học ở Nhạc viện, tôi không dám tham gia những chương trình biểu diễn của các bầu show để chú tâm rèn luyện. Tình yêu âm nhạc ngấm dần vào mình lúc nào không hay, tôi nhận thấy rằng, tồn tại được với nghề không phải đơn giản. Mình phải đảm bảo cuộc sống ở Hà Nội mà vẫn không tham gia vào những show diễn mang tính chất kiếm tiền - đó là cả một nỗ lực. Khi thành danh, có những lần lưu diễn ở vùng biên giới rét cắt da cắt thịt nhưng người nghệ sĩ chỉ được mặc một chiếc áo sơ mi mỏng hoặc những lúc gia đình có chuyện buồn, mình vẫn phải hát.
- Trong hơn 20 năm sự nghiệp, có khi nào anh định chùn bước?
- Năm 1991, tôi lần đầu tiên tham gia cuộc thi Đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc cùng với Thanh Lam, Hồng Nhung, Ngọc Sơn…, những người giờ đều đã rất nổi tiếng. Nhờ đó, tôi dập tắt hoàn toàn ý nghĩ từ bỏ nghệ thuật. Sân khấu là thiên đường của người nghệ sĩ, nơi mình được lấy hết tâm tư tình cảm truyền tải đến khán giả. Càng khó khăn mình càng muốn chinh phục, càng muốn thể hiện. Qua đánh giá của bạn bè, đồng nghiệp, tôi tự tin rằng, mình hoàn toàn có thể vững bước trên con đường nghệ thuật.
Đến bây giờ, nếu cho làm lại, tôi sẽ không như hồi trẻ, muốn chối bỏ nghiệp cầm ca nữa. Cuộc sống phát triển, người nghệ sĩ ngày càng được tôn trọng. Trước đây người ta chỉ coi nó là giải trí, nhưng cùng với sự phát triển của dân trí, nó đã thành ngành thưởng thức rồi. Khi hết lòng với nghề, bước ra ngoài đường, có những ánh mắt nhìn mình rất thân thương - đó là cái được lớn nhất của tôi trong suốt 20 năm.
- Là ca sĩ nhưng anh không được ưu ái về hình thức. Sự hạn chế về sắc vóc tác động thế nào tới sự nghiệp của anh?
- Tôi phải thừa nhận rằng, nó ảnh hưởng không ít. Những chương trình chú trọng phần nhìn đều không gọi mình - như thế mình đã mất rất nhiều cơ hội. Tuy nhiên, tôi nghĩ một nghệ sĩ có khả năng chuyên môn và lòng yêu nghề thì không gì có thể ngăn cản được. Có thể mình đi chậm hơn những người vẹn toàn thanh sắc, nhưng mình vẫn có thể vượt qua chính mình. Hình thức của tôi kém hơn nhiều người nhưng tôi cho rằng, nếu bước lên sân khấu, biết cách thể hiện, người nghệ sĩ sẽ khiến khán giả quên đi cái xấu bên ngoài mà tập trung vào vẻ đẹp mà mình đang thể hiện.
Có người còn sau lưng gọi tôi là chàng Trương Chi nhưng tôi chẳng bao giờ buồn vì điều đó cả. Tự tôi lại nghĩ đó là niềm vui. Mình vẫn được khán giả yêu mến và đến độ tuổi này, mình vẫn tồn tại cùng những ca sĩ trẻ khác - hình thức không phải là tất cả và không phải là yếu tố tiên quyết cho sự thành công ở showbiz.
"Có một sự trái khoáy, những nghệ sĩ nhiều thành tích có khi cả đời mới có một live show trong khi các ca sĩ trẻ một năm tổ chức 2-3 live show là thường. Đối tượng khán giả của chúng tôi hầu như là những người thích ngồi nhà xem tivi. Buồn là khán giả Việt Nam đang dần dần bị truyền hình tạo cho thói quen xem nghệ thuật miễn phí qua việc tường thuật trực tiếp quá nhiều". |
- Các ca sĩ trẻ bây giờ đi vào con đường nhìn hơn là nghe trong khi anh và một số người hiếm hoi chọn con đường ngược lại. Anh đánh giá thế nào về hai lựa chọn này?
- Khi bước chân vào nghề ca hát, bạn đứng trước hai lựa chọn, một là giải trí, hai là thưởng thức. Những người theo con đường giải trí phải đầu tư hơn về hình thức, phương diện bên ngoài. Những người theo dòng thưởng thức lại chuẩn bị cho mình một bề dày văn hóa và trình độ thanh nhạc. Hai con đường đều có mặt lợi và hại của nó. Những người theo dòng thưởng thức sẽ sống bền lâu trong lòng khán giả, còn những người theo dòng giải trí chỉ tỏa sáng ở một giai đoạn rất ngắn. Cuộc đời tôi có thể minh chứng cho điều này. Ngoài 40 tuổi, sự nghiệp của tôi vẫn ngày càng đi lên, show càng nhiều và mức cát-xê càng tăng.
- Những ngày đầu ở Nhạc viện, anh tránh chạy show nhưng giờ thì đã chấp nhận chuyện này. Có sự thay đổi nào trong con người anh sau gần 20 năm?
- Đã là bản chất con người thì khó có thể thay đổi. Trong cuộc sống hiện đại, nhu cầu con người ngày càng cao nhưng tôi chưa bao giờ cho phép mình nhận show bừa bãi và chạy show quá mức. Tôi luôn cân nhắc trước mỗi lời mời, xem show diễn đó có đáng để mình bỏ sức ra không. Tôi chỉ chấp nhận những chương trình hát thật, không bao giờ hát nhép. Tôi đưa ra cát-xê để họ có thể chấp nhận mình và mình chấp nhận họ chứ không quan tâm nó cao hay thấp so với thị trường. Tôi chỉ nghĩ, mình làm nghệ thuật, cái quý nhất là mang nghệ thuật đến với khán giả và sự bù đắp lại của xã hội, công chúng đem lại cho mình thế nào, mình hưởng như thế. Những tháng ngày không chạy show để chuẩn bị bề dày kiến thức chính là “của để dành” tôi đem ra dùng bây giờ.
- Trên sân khấu nhạc Việt, anh - Đăng Dương - Trọng Tấn rất thành công trong sự nghiệp riêng nhưng lại hợp thành bộ ba hát nhạc đỏ ăn ý. Các anh dung hòa với nhau thế nào?
- Tôi, Dương và Tấn đều có trình độ trong thanh nhạc. Các ca sĩ trẻ bây giờ cần để ý hơn trong việc nghe nhau hát. Có những người đứng riêng thì được nhưng hát chung với nhau lại không hiệu quả vì thực tế, họ không biết nghe nhau và nhường nhau. Trong một nhóm, anh phải biết nấp mình đi để bạn tỏa sáng - đó là ý thức của người nghệ sĩ, dám vì cái chung. Đặc tính của nghệ sĩ là quá đề cao cái tôi cá nhân, nếu các bạn tỉnh táo hơn thì mới thành công.
- Nghiêm túc trong nghệ thuật còn trong gia đình, anh là người thế nào?
- Ai cũng nói tôi là người khó tính. Bản thân tôi phải bươn chải, tự lập từ nhỏ nên khi làm việc gì tôi cũng đòi hỏi sự chỉn chu. Tôi có hai cô con gái nhỏ và rất yêu con nhưng yêu một cách tỉnh táo, không chiều chuộng quá đà. Rất may tôi lấy được một người vợ dù tuổi trẻ nhưng rất hiểu biết, phương pháp giáo dục con bao giờ hai vợ chồng cũng bàn bạc với nhau. Tôi lập gia đình năm 39 tuổi, vợ tôi kém chồng khá nhiều tuổi lại là người có hình thức. Ai nhìn vào cũng sẽ nghĩ tôi phải chiều chuộng vợ ghê lắm nhưng thực tế, tôi là người khó tính. Đôi khi, tôi thấy cô ấy cũng thiệt thòi. Cô ấy cho tôi tuổi trẻ, sắc đẹp, hai cô con gái dễ thương nhưng điều tôi đem đến chỉ đúng là con người tôi, không có gì xa hoa hơn cả.
NSUT Việt Hoàn bên người vợ kém 17 tuổi. |
- Một người tự nhận mình khó tính như anh, chinh phục cô gái trẻ đẹp ra sao?
- Đơn thuần chỉ là giọng hát. Một lần tôi đi diễn cho Bộ Công thương, khi vừa hát xong, có một tin nhắn khen tôi hát rất hay. Tôi rất cảm tình với tin nhắn đó nên đáp lại. Bình thường, có rất nhiều tin nhắn của khán giả nhưng tôi không mấy khi trả lời. Khi đó, tôi hoàn toàn chưa biết về hình thức của cô ấy nhưng qua những cuộc trao đổi điện thoại, nhắn tin, tôi có thiện cảm và hẹn đi chơi. Bất ngờ là khi gặp, tôi thấy đối phương trông rất... ổn (cười). Tôi ngạc nhiên vì một người phụ trách công tác đoàn đầy năng nổ như cô ấy lại đem lòng yêu quý tôi. Đó chỉ có thể là do số phận và định mệnh.
- Có một bà xã trẻ trung và xinh đẹp như vậy, có bao giờ anh cảm thấy bất an?
- Không một phút nào. Tôi luôn tâm niệm, không ai có thể nói trước điều gì, mình hãy sống và vui với ngày hôm nay, ngày mai thì mình phải cố gắng cho nó, nếu cố gắng không được thì phải chấp nhận. Nếu có điều gì không tốt với mình thì tôi nghĩ đó cũng là điều không tốt cho người ta vì một con người như tôi, sống tốt, làm những điều tốt, hoàn thành trách nhiệm của mình, nếu như có điều gì đó xảy đến thì là do “đối tác” mà thôi.
5 năm lấy vợ cũng là 5 năm từ khi tôi nhận danh hiệu NSƯT. Trong thời gian đó, dù rất vất vả khi hai con ra đời nhưng bản thân tôi tự thấy mình làm được rất nhiều, ra CD, xuất hiện trong những chương trình lớn trong nước và nước ngoài, giọng hát của mình chín hơn về mặt nội tâm. Từ ngày có gia đình, tôi tự tin hơn rất nhiều. Thực tế, vợ tôi là người phụ nữ yêu chồng là số một. Tất nhiên là khoảng cách tuổi tác cũng khiến chúng tôi có chút bất đồng. Tôi chỉ thích ở nhà chơi với các con, trong khi vợ tôi thích ra đường giao lưu cùng mọi người. Nhưng tôi nghĩ, tình yêu và sự sẻ chia sẽ biến những bất đồng thành đơn giản.
Hai mươi năm đi hát, Việt Hoàn thực hiện một liveshow riêng để kỷ niệm quãng thời gian ca hát của mình mang tên “Tiếng hát từ trái tim tôi” với những ca khúc gắn liền với tên tuổi của anh: Những ánh sao đêm, Thành phố hoa phượng đỏ, Tình hoài hương, Chảy đi sông ơi, Tình ta biển bạc đồng xanh, Đường chúng ta đi… Chương trình diễn ra tối 22/2 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội. Xuyên suốt chương trình, dàn nhạc semi classic của Đài tiếng nói Việt Nam sẽ đảm nhận phần đệm cho các tiết mục biểu diễn. Toàn bộ các ca khúc sẽ được phối khí lại mới mẻ và phù hợp với cách hát của Việt Hoàn. Tổng thể chương trình sẽ mang đậm màu sắc bán cổ điển, thiên về trữ tình. Bên cạnh những ca sĩ thường xuyên đứng chung sân khấu với Việt Hoàn như Trọng Tấn, Đăng Dương, Anh Thơ, lần đầu tiên anh sẽ song ca cùng Mỹ Linh. Việt Hoàn hạnh phúc chia sẻ, vợ anh - Diễm Hoa - sẽ có mặt cổ vũ chồng trong vai trò MC dẫn cùng Lê Anh. Sau khi sinh con, Diễm Hoa rời khỏi Bộ Công thương và hiện làm việc tại một đài truyền hình kỹ thuật số. |
Ngọc Trần thực hiện
Ảnh: V.H.