Nếu sống mà không có đam mê, bạn chẳng bao giờ nhận ra khi đam mê được cất cao đôi cánh sẽ tuyệt vời đến thế nào. Nhưng, con đường đến với đam mê đâu trải sẵn thảm đỏ, hoa hồng mà có cả những chông gai, thử thách. Nếu không kiên định theo đuổi ước mơ, thành công sẽ chỉ là viễn vông, xa tít tắp.
Tôi cũng có một ước mơ như thế với niềm đam mê là những con chữ nhảy múa trên màn hình vi tính. Hàng đêm, được ngồi vào máy cho ra đời những đứa con tinh thần nho nhỏ thôi cũng khiến tôi cảm thấy khoan khoái lạ thường. Hiện tại, tôi là một “lều báo” luôn tìm kiếm các tờ báo, viết cho thỏa lòng. Một cây bút dẫu còn nghiệp dư nhưng cũng nhận được khá nhiều giải thưởng lớn nhỏ từ các cuộc thi viết trên facebook. Và nếu ngày ấy tôi buông tay khi đối diện với khó khăn, khoảng trống dành cho đam mê trong tim tôi sẽ mãi chẳng thể lấp đầy.
Ngồi lần giở lại tấm giấy khen giải khuyến khích “Nghề báo trong tôi”, ký ức bỗng ùa về với tôi như mới hôm qua. Tất cả hiện ra thật rõ nét. Ngày ấy, lần đầu cầm trên tay quyển tạp chí Tiếp thị & Gia đình, tôi như bị thôi miên trước những bài viết, thầm ước có ngày tên mình cũng được xuất hiện trong một trang báo. Do đó, tôi tự vẽ ra mục tiêu cho bản thân. Thời điểm đó, vi tính chưa được thông dụng, tôi chỉ có thể gửi bài viết tay đến tòa soạn. Tôi chờ đợi từng ngày, lật từng trang báo ra với hy vọng nhìn thấy bài viết của được đăng dù chỉ là một góc nhỏ. Bao hy vọng như vụt tắt khi tôi nhận được thư phản hồi từ tòa soạn: “Chúng tôi rất tiếc vì không thể sử dụng bài cộng tác này của bạn. Mong nhận được bài viết khác từ bạn”. Lần thất bại đó khiến tôi hụt hẫng suốt một thời gian. Mỗi lần vừa đặt bút viết, trong đầu tôi hiện ra những dòng phản hồi của tòa soạn mà thấy lòng buồn rười rượi.
Vẫn không dừng lại niềm yêu thích với việc viết lách, tôi đọc sách nhiều hơn, thu thập thêm kinh nghiệm. Đến khi công nghệ mạng bắt đầu phủ sóng, tôi thử sức với báo điện tử. Có được bài đăng đầu tiên, tôi mừng như muốn khóc, càng hăng say viết và tìm kiếm ý tưởng mới. Sau 3 bài được đăng trên trang web, tôi bất ngờ nhận được email từ biên tập viên. Nội dung trong đó khiến tôi chết lặng. Tôi bị tòa soạn từ chối nhận bài vì sai những chi tiết căn bản của báo chí về dấu câu, cách trình bày. Họ nhận xét giọng văn của tôi dài dòng, phải học thêm về cách viết gãy gọn, súc tích. Như đứa trẻ lần đầu bị ngã đau, tôi khóc òa lên trong phòng mình. Nhiều ngày sau đó, tôi rơi vào trầm cảm nặng. Mẹ tôi lo lắng, luôn bên cạnh động viên, khuyên tôi thử cộng tác ở nơi khác vì có khi do văn phong không hợp.
Lần quay trở lại, tôi cẩn trọng hơn trong cách viết. Khi hoàn thành, tôi đọc thật kỹ, đưa cho nhiều người góp ý. Bài gửi đi đã được đăng ngay sau ngày gửi 1 tuần. Cầm tờ báo có bài viết của mình trên tay, tôi nhảy cẫng lên vì sung sướng. Nghĩ lại chuyện ngày cũ, tôi thầm cảm ơn những biên tập viên bên báo điện tử từng phản hồi từ chối nhận bài của tôi. Nhờ họ, tôi phấn đấu nhiều hơn nữa, tập viết câu gọn hơn, dấu câu cân nhắc hơn, chú ý cách dùng từ hiện đại mà ý nghĩa. Hai năm miệt mài học hỏi kinh nghiệm viết từ bước căn bản, tôi tự cho mình cơ hội thử sức với một thể loại hoàn toàn mới: phóng sự.
Tìm một vài hoàn cảnh khó khăn trong khu phố, tôi thử viết bài ngắn đề xuất với tạp chí Mốt & Cuộc sống. Vì đề tài có tính nhân văn cao, biên tập viên thông qua và yêu cầu viết mới hoàn toàn với cách viết box. Tôi tiếp tục học hỏi và trui rèn với kỹ năng viết mới của thể loại phóng sự. Bài viết lên trang có phần lớn công sức, sự giúp đỡ của chị biên tập, nhưng trong tôi là cảm giác lâng lâng đến từng tế bào. Từ lần đó, mỗi tháng tôi lại được giao cho một đề tài phóng sự thực tế. Tôi nhớ nhất là chuyến đi xa, đến tận xã Phước Tân (Đồng Nai) phỏng vấn “hiệp sĩ giao thông” Lưu Tiến Dũng với việc tốt khai sáng ra thương hiệu cấp cứu tai nạn giao thông từ thiện. Suốt dọc đường đội mưa ướt sũng, cái lạnh thấm vào da thịt để tìm gặp nhân vật, thành quả tôi có được là lời khen ngợi và cơ hội mở với nhiều chuyên mục khác từ chị biên tập viên cho sự cố gắng của mình. Hành trình từ “lều báo” đến “nhà báo” với tôi còn quá xa xôi, nhưng được sống với đam mê dù nhỏ thì “túp lều tranh” vẫn là “lý tưởng”. Vì vậy, tôi vẫn luôn tìm kiếm nguồn cộng tác mới, đều đặn tham gia các cuộc thi viết trên facebook để nâng cao kỹ năng viết hơn nữa.
Một công nhân bình thường như tôi vẫn có thể đến với nghề báo mà tôi yêu thích, nghĩa là cơ hội luôn dành sẵn phía trước cho những người bền chí với đam mê. Thành công mỉm cười vào một ngày không xa đâu, các bạn hãy tin như thế nhé.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân aViệt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Lê Ngọc Bích Vân