Ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Đà Nẵng, cho biết ngay từ đầu đợt dịch hồi tháng 7/2020, khi thành phố là tâm dịch của cả nước, Công ty Việt Á đã cho địa phương mượn hơn 10 máy xét nghiệm RT-PCR, cùng khoảng 30 nhân lực hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm toàn dân.
"Thành phố tiết kiệm được một khoản tiền lớn phải bỏ ra mua máy xét nghiệm", ông Thạnh nói, cho hay đây là một phần lý do Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương đầu tiên mua sinh phẩm xét nghiệm của Việt Á.
Theo ông Thạnh, thời điểm đỉnh dịch năm ngoái, từ sinh phẩm xét nghiệm đến que lấy mẫu rất khan hiếm. Đơn vị đã có nhiều đợt mua sắm phục vụ chống dịch từ Công ty Việt Á. Trong đó, tháng 5/2021, CDC Đà Nẵng đề xuất mua 70.000 test xét nghiệm LightPower, đơn giá dự toán 509.250 đồng/test.
Từ ngày 2/7, Bộ Y tế cập nhật giá bán công khai sinh phẩm này. Trên cơ sở đề xuất của CDC, Sở Y tế Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị liên quan trình UBND thành phố phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 3 gói thầu, với tổng số lượng mua sắm 200.000 test, đơn giá 367.500 đồng.
Tại Thừa Thiên Huế và Hà Tĩnh, hai địa phương có mua sắm kit test Việt Á, đại diện CDC xác nhận từng được Công ty này cho mượn máy xét nghiệm. "Chúng tôi mượn một máy của Việt Á từ đầu năm 2020 với thời gian khoảng 5 tháng", ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế, nói.
Cũng vào đầu năm 2020, Việt Á cho CDC Hà Tĩnh mượn một máy xét nghiệm, cử kỹ sư vào hướng dẫn vận hành và thiết bị đang được sử dụng.
Qua rà soát, các cơ sở y tế ở Hà Tĩnh nhiều lần mua kit Việt Á với các gói thầu khác nhau, mức giá những lần giao dịch không cố định. Gần nhất ngày 22/10, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh mua 10.000 kit test... Công ty Việt Á sau đó trúng thầu với giá 365.000 đồng mỗi bộ. Hiện lô hàng này chưa giao về Hà Tĩnh do còn vướng thủ tục.
Quảng Nam và Bắc Giang cũng mượn máy xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á, song phía địa phương cho hay không mua sắm kit test của Công ty này do "đã được tài trợ sinh phẩm".
Cụ thể, từ tháng 7/2020, Quảng Nam mượn 3 máy xét nghiệm PCR của Việt Á, đặt tại CDC tỉnh. "Quá trình vận hành máy Việt Á thì phải chạy sinh phẩm của Việt Á. Vì vậy, được sự cho phép của UBND tỉnh, chúng tôi có mượn sinh phẩm và một số vật tư của Công ty, sau đó mua sắm để trả lại", đại diện Sở Y tế Quảng Nam nói. Đến tháng 2/2021, Công ty đã thu hồi các máy xét nghiệm cho Quảng Nam mượn.
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh trong khu công nghiệp, "Việt Á có cho tỉnh mượn một số máy xét nghiệm". Tuy nhiên, khác với nhiều địa phương, dù được cho mượn máy, nhưng ông Dương cho biết địa phương không mua kit test Việt Á.
"Chúng tôi đã yêu cầu rà soát, kết quả bước đầu chưa thấy có hợp đồng nào mua kit xét nghiệm Việt Á. Lúc dịch bệnh bùng phát mạnh, Bắc Giang xin được nhiều kit từ Bộ Y tế và các doanh nghiệp tặng", ông Dương nói.
Ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An, cho biết giữa tháng 7 vừa qua Công ty Việt Á cho đơn vị mượn một bộ máy xét nghiệm Covid-19 (gồm máy đọc và tách chiết). Máy này đặt tại CDC tỉnh, công suất đọc tối đa 960 mẫu/mẻ xét nghiệm.
Theo ông Định, lý do Việt Á cho mượn máy nhằm hỗ trợ địa phương triển khai chiến dịch xét nghiệm cộng đồng cho người dân toàn TP Vinh, khi Covid-19 lan rộng trên địa bàn thành phố. Hiện Việt Á vẫn để lại máy xét nghiệm tại CDC Nghệ An.
Lãnh đạo CDC Nghệ An thông tin thêm, việc đơn vị mua kit của Việt Á "diễn ra trước khi Công ty này cho tỉnh mượn máy xét nghiệm".
Từ năm 2020 đến nay, CDC Nghệ An mua sinh phẩm, vật tư y tế của Công ty Việt Á với tổng trị giá 28 tỷ đồng (2 gói chỉ định thầu, hơn 18 tỷ đồng). Giá đấu thầu kit xét nghiệm là 509.250 đồng mỗi bộ, đến lúc mua hạ xuống 470.000 đồng, có thời điểm giá chỉ 367.500 đồng.
CDC Nghệ An đang phối hợp, cung cấp hồ sơ cho Công an tỉnh Nghệ An để kiểm tra, rà soát bốn gói thầu mua vật tư, sinh phẩm của công ty Việt Á.
Từ góc độ chuyên gia phân tích chính sách, bà Phạm Chi Lan - nguyên phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhìn nhận trong bối cảnh Covid-19 bùng phát thì ưu tiên cao nhất là chống dịch, vì vậy việc các tỉnh mượn máy xét nghiệm từ doanh nghiệp là điều có thể hiểu được. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nhanh, đòi hỏi phản ứng nhanh trong khi địa phương không sẵn ngân sách hoặc vướng mắc về cơ chế, cần thời gian đầu thầu mua sắm.
Về phía doanh nghiệp, luôn đặt đặt ưu tiên vấn đề lợi nhuận, tăng doanh thu qua bán sản phẩm. Như vậy "cho mượn máy xét nghiệm" có thể là một cách doanh nghiệp đầu tư, tạo mối quan hệ, qua đó mở rộng kinh doanh vì "muốn xét nghiệm, muốn vận hành máy đều phải có sinh phẩm".
Vấn đề đặt ra, theo bà Lan, doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, giúp địa phương chống dịch là điều đáng quý, song việc sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế cũng như mua sắm, đấu thầu liên quan "phải đúng luật"; tránh việc doanh nghiệp lợi dụng cung ứng trước thiết bị, sinh phẩm, sau đó thông đồng để trục lợi...
Theo bà Lan, các địa phương khi tiếp nhận sự hỗ trợ của doanh nghiệp, cần yêu cầu các bên minh bạch điều kiện, đăng tải thông tin công khai để người dân biết và giám sát, đặc biệt trong lĩnh vực liên quan đến sức khỏe cộng đồng.
Trước đó, ngày 18/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) khởi tố ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á cùng một số thuộc cấp để làm rõ nghi vấn phạm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng tội danh, C03 khởi tố ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương - CDC tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Mạnh Cường (nguyên kế toán trưởng CDC Hải Dương).
Điều tra ban đầu xác định, tháng 4/2020, Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19. Doanh nghiệp đã cung ứng kit cho 62 tỉnh, thành phố, doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Nhóm phóng viên