- Tại sao trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án mạng Metropolis, VKS thành phố lại yêu cầu “xem xét trách nhiệm hình sự” với Hữu Phú?
- Đây là vụ án phức tạp liên quan đến nhiều người, nhiều bị can, và quá trình điều tra trong thời hạn luật định ban đầu không làm rõ ngay được, nhất là với đối tượng bỏ trốn. Trong quá trình đó, VKS xem xét các tình tiết, tài liệu chứng cứ do cơ quan điều tra đưa sang, nếu có chứng cứ quan trọng chưa được chứng minh làm rõ thì VKS yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung. Cụ thể trong vụ án này, trả hồ sơ chính là để yêu cầu điều tra thêm với các bị can, sau đó là những việc khác, như “xem xét trách nhiệm hình sự” về tội danh “không tố giác tội phạm” với Hữu Phú.
Việc trao đổi giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với nhau là bình thường. Nên lưu ý rằng, đây chỉ là công văn trao đổi nghiệp vụ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong giai đoạn điều tra, và cấp kiểm sát điều tra là cấp phòng chứ chưa phải là quyết định của VKS. Tôi không hiểu sao lại lọt ra ngoài và đăng báo. Nếu không đã chẳng ồn ào lên như vậy.
- Nhưng sự việc có thể không còn là “công văn trao đổi” nữa mà sẽ đi theo hướng khác?
- Làm sao đi theo hướng khác được. Bởi khi kết thúc điều tra để đưa ra truy tố, phải thông qua lãnh đạo viện, rồi Ủy ban Kiểm sát, phải là một quyết định có sự đánh giá chặt chẽ về nội dung điều tra.
Tôi nhắc lại là quyết định yêu cầu điều tra bổ sung đối với các bị can là quyết định của cấp có thẩm quyền tư pháp (cấp phòng). Còn vấn đề khác chỉ là nội dung trao đổi để làm rõ thêm chứ chưa phải là quyết định. Quyết định nói trên chỉ đề nghị xem xét có hay không hành vi vi phạm tội danh “không tố giác tội phạm”.
Có vấn đề này là vì Hữu Phú đã tiếp xúc với vợ chồng A Lý, một đang là bị can của vụ án, một đang bỏ trốn bị truy nã; sau khi tiếp xúc, đã đăng tải trên báo. Nhìn ở góc độ nào đó thì tài liệu đã đăng tải trên báo được xem là thông tin tố giác tội phạm. Nếu như sau khi đăng tải, được các cơ quan chức năng yêu cầu, phóng viên và cơ quan báo chí cung cấp đầy đủ tài liệu đó thì rất đáng hoan nghênh.
- Nhưng Hữu Phú đã cung cấp đầy đủ nội dung cuộc tiếp xúc trước khi báo đăng mà không đợi cơ quan chức năng yêu cầu?
- Thế có nghĩa là cơ quan báo cũng như phóng viên đã làm tròn nghĩa vụ công dân đối với việc phát hiện tội phạm. Tuy nhiên, cũng có một khía cạnh khác của vấn đề, là Hữu Phú đã liên lạc và sau đó là gặp gỡ với vợ chồng A Lý. Cơ quan điều tra khi đưa hồ sơ khởi tố và một số quyết định về biện pháp ngăn chặn sang VKS có thể hiện nội dung này. Và lúc đó, VKS đã yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ nội dung trên, nhưng họ chưa làm. Lần này, trong quyết định trả hồ sơ, cấp phòng của chúng tôi đã nhắc lại.
Cần phải khách quan và bình tĩnh. Có tiêu cực hay không là chuyện khác. Ở góc độ này, theo tôi có lẽ là nghiệp vụ bình thường thôi. Bây giờ, Ủy ban Kiểm sát họp và xem xét những chứng cứ nào trên hồ sơ khiến kiểm sát viên yêu cầu phải xem xét bổ sung.
- Ủy ban Kiểm sát đã kết luận thế nào?
- Đánh giá bước đầu, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung với các bị can là có căn cứ.
- Còn về yêu cầu xem xét với Hữu Phú?
- Các chi tiết khác thì hiện nay Ủy ban nghe báo cáo rồi còn phải thẩm định lại hồ sơ mới đi đến kết luận chính thức được. Chắc phải chờ vài ngày nữa, vì hồ sơ vụ án rất phức tạp, kết luận liền sao được.
- Với những thông tin có được, ý kiến ông về việc này thế nào?
- Trước tiên là phải hoan nghênh các nhà báo có tinh thần dũng cảm dám làm phóng sự điều tra để tố giác tội phạm. Với Hữu Phú, như tôi nói ở trên, dưới góc độ nhà báo đã làm nghiệp vụ rất tốt. Nhưng cũng cần lưu ý ranh giới nghề nghiệp, bởi nhà báo hoạt động theo Luật Báo chí, song còn là công dân. Nếu Hữu Phú biết vợ chồng A Lý liên quan đến vụ giết người, đang lẩn trốn thì việc tiếp cận, tìm hiểu về A Lý và các đối tượng khác là tinh thần đáng hoan nghênh. Nhưng nếu trước đó, Hữu Phú thông báo với cơ quan chủ quản và cơ quan điều tra để có kế hoạch bảo vệ cho hoạt động của mình; và nếu là tội phạm thì bắt giữ, không để bỏ trốn, hoặc khi tiếp xúc thấy rõ dấu hiệu tội phạm phải tìm cách báo ngay cho cơ quan công an ngăn chặn, thì Hữu Phú đã làm hết trách nhiệm của mình. Nếu phần đầu cậu ấy làm chưa tốt thì cũng có thiếu sót.
- Tại sao là thiếu sót, khi bản thân phóng viên không biết đó là tội phạm, cơ quan công an cũng chưa có lệnh truy nã?
- Có dấu hiệu liên quan thôi thì ý thức công dân đã phải báo ngay. Hơn nữa, là nhà báo thì phải nắm được luật hình sự chứ? Tất nhiên, tôi đọc báo thấy Hữu Phú đã báo ngay với cơ quan điều tra. Đúng vậy thì Hữu Phú làm rất tốt. Tuy nhiên, trong hồ sơ chưa thể hiện là Hữu Phú làm ngay động tác này. Ý tôi muốn nhấn mạnh là nếu có sự phối hợp ngay từ đầu để nhà báo tiếp cận đối tượng làm phóng sự điều tra và có sự bảo vệ tính mạng của cơ quan pháp luật là giải pháp hay nhất.
(Theo Thanh Niên)
Theo dòng sự kiện:
Yêu cầu điều tra bổ sung vụ án mạng ở vũ trường Metropolis (16/3)
Đề nghị truy tố 12 bị can trong vụ án mạng Metropolis (27/2)
A Lý bị hất cẳng khỏi Metropolis thế nào? (25/12)
A Lý lại gây án ở Campuchia (18/12)
Mối quan hệ rắc rối của A Lý với các tay anh chị (22/8)
A Lý và giấc mộng làm “ông trùm”(21/8)
Bắt thêm 2 đối tượng có liên quan đến A Lý (18/8)
A Lý khẳng định mình đang bị một thế lực ngầm đe dọa (17/8)
Án mạng Metropolis do băng nhóm của A Lý gây ra (16/8)
Bắt được 3 hung thủ vụ bắn chết người ở vũ trường Metropolis (15/8)
Án mạng Metropolis liên quan đến khoản nợ 40.000 USD? (15/8)
TP HCM: Bắn chết người trước vũ trường Metropolis (14/8)