Tại hội thảo xu hướng phát triển của lao động ngày 14/9, TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động VN), cho biết qua khảo sát, cơ quan này nhận thấy để đảm bảo mức sống tối thiểu thì người lao động phải có thu nhập trên dưới 5 triệu đồng. Tuy nhiên, mức lương trung bình của người lao động hiện chỉ có 4,7 triệu đồng.
So sánh tiền lương và chi tiêu, chỉ có 51% gia đình công nhân cho biết họ đủ trang trải cuộc sống; 16% công nhân có tích lũy; 20% phải chi tiêu tằn tiện; 12% cho biết không đủ chi tiêu, phải làm thêm để cải thiện đời sống. Thống kê chung: 57% công nhân bức xúc về tiền lương, thu nhập.
Đề cập đến kiến nghị bỏ lương tối thiểu, ông Thọ cho rằng: "Nếu không còn lương tối thiểu thì sẽ diễn ra tình trạng bóc lột sức lao động tràn lan. Hiện quy định này được áp dụng như một cái sàn, vậy mà nhiều doanh nghiệp vẫn muốn giảm lương huống hồ gì bỏ đi".
Theo ông Thọ, lương tối thiểu không những cần duy trì mà phải tăng lên, vì hiện nó thấp hơn mức sống tối thiểu là 16%. "Nếu năm 2018 lương tối thiểu được tăng thêm 6,5% thì doanh nghiệp vẫn chưa đảm bảo mức sống cho người lao động", ông nói.
Viện trưởng Công nhân và công đoàn cũng cho biết, khi bàn thảo về tăng lương đã có hai luồng ý kiến tranh luận trong Hội đồng tiền lương quốc gia. Nhiều ý kiến nói rằng lương tối thiểu đã tăng nhanh từ năm 2013, là gánh nặng khiến doanh nghiệp không chịu nổi. Song theo tính toán, mức lương này tăng 6,5% thì chi phí doanh nghiệp chỉ tăng thêm 2%.
"Nhiều doanh nghiệp thường nói nguồn nhân lực rất quan trọng, song không muốn tăng lương. Theo tôi, Việt Nam phải quyết tâm tăng lương tối thiểu lên bằng mức sống tối thiểu, tiền lương phải đảm bảo nhu cầu sống cho người lao động", ông Vũ Quang Thọ bày tỏ quan điểm.
PGS.TS Mai Quốc Chánh - Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng đánh giá tiền lương tối thiểu có tăng lên song đến nay mới đáp ứng 90% nhu cầu sống tối thiểu.
Tuy nhiên, ông Chánh cho rằng, thời gian qua chưa có khảo sát đầy đủ về mức sống tối thiểu của người lao động nên các đánh giá vẫn mang tính chủ quan, cảm tính. Trong mối quan hệ của chủ lao động và người lao động phải xem lợi ích của hai bên.
Trước đó ngày 13/9, tại hội thảo về lương tối thiểu và năng suất lao động Việt Nam, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Thương mại, đã cho rằng nếu coi lương tối thiểu là chính sách xã hội thì "không đúng". Trong thực tế, nếu tăng lương tối thiểu thêm 50%, người lao động vẫn không đủ sống, do vậy các cơ quan chức năng nên nghiên cứu cơ chế lương thỏa thuận, khuyến khích người lao động có kỹ năng thì được tăng lương.
"Chúng ta nên nghiên cứu bỏ lương tối thiểu, đồng thời với tăng chính sách bảo trợ xã hội", ông Tuyển nói.