Đời vua Trần Anh Tông (1293-1314), đất nước bình yên, nhân dân no ấm. Nhưng vài năm sau khi Trần Minh Tông lên ngôi, nạn trộm cướp bắt đầu hoành hành. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6) chép lại một vụ án như sau:
Văn Khánh được xem là đầu sỏ một băng cướp. Triều đình nhiều lần cho quan quân lùng bắt mà không được. Bỗng một ngày, có người khai bắt được Văn Khánh và mang nộp cho quan.
Không cần nhiều thời gian tra hỏi, người bị bắt nhận ngay mình là Văn Khánh. Ai cũng tin đây đúng là tên tội phạm nguy hiểm đang bị truy lùng. Duy nhất, quan Hình bộ lang trung Phí Trực nghi ngờ.
Theo ông, tên trộm đầu sỏ không thể bị bắt dễ dàng thế, lại còn khai ngay là Văn Khánh chứ không chối quanh trong khi hắn phải thừa biết sẽ phải nhận cái chết đau đớn.
Vì phân vân nên Phí Trực chưa giải quyết vụ án này. Thượng hoàng Trần Anh Tông khi biết chuyện đã hỏi và Phí Trực trả lời: “Mạng người rất trọng, lòng thần còn có chỗ nghi ngờ, nên không dám liều lĩnh xử quyết”.
Không lâu sau, thượng hoàng hỏi lại, Phí Trực vẫn trả lời như lần trước. Thượng hoàng giận bảo: “Nó đã nhận như thế, ngươi còn ngờ gì nữa mà không xử đi”. Phí Trực tâu: “Nó không bị tra tấn khổ sở mà điềm nhiên thú nhận, thần trộm lấy làm ngờ”.
Một tháng sau, tên Văn Khánh thật bị bắt. Thượng hoàng lúc đó công nhận tài phân tích của Phí Trực.
Phí Trực là người nổi tiếng thông minh và làm việc rất cẩn thận nên ai cũng kính nể. Mỗi lần xử án, Phí Trực thường xem đi xét lại rất kĩ, thà mang tiếng chậm, chứ quyết không chịu xử sai.
Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng tháng 3 năm Đinh Tỵ (1317), thượng hoàng phong Phí Trực làm An phủ Thiên Trường. Đây là đặc ân của triều đình, vì phủ Thiên Trường lúc đó coi như kinh đô thứ hai của nhà Trần, các Thượng hoàng thường ngự về đó.
Theo thông lê, chức An Phủ sứ Thiên Trường phải là những viên quan từng kinh qua chức An Phủ sứ cấp lộ, tức là đứng đầu mỗi lộ, tương đương như tỉnh hiện nay. Nhưng Phí Trực thì được ngoại lệ bởi tính cẩn thận, minh bạch của ông.
Lê Tiên Long