Tại tọa đàm Tiêm vaccine cho trẻ, những lưu ý quan trọng chiều 18/2, PGS Dương Thị Hồng nêu quan điểm trên, đồng thời khẳng định "chúng tôi rất vững tay để tổ chức chiến dịch tiêm chủng an toàn cho nhóm trẻ từ 5 đến 11 tuổi". Thay vì đặt ra chế tài, bắt buộc tiêm chủng cho nhóm trẻ này, cơ quan chuyên môn sẽ thuyết phục, đưa ra bằng chứng khoa học để phụ huynh tin tưởng đưa con đi tiêm.
Bà Hồng nhắc lại bài học vaccine sởi. Cách đây vài năm, dù Việt Nam có nguồn vaccine dồi dào, nhiều gia đình không đưa trẻ đi tiêm, khiến nhiều cháu bị mắc, dẫn đến biến chứng trầm trọng và tử vong. "Trẻ không được tiêm vaccine sớm sẽ xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Tới đây việc tiêm cho trẻ sẽ được triển khai an toàn, từ kinh nghiệm các đợt tiêm chủng trước", bà nói và cho biết trên thế giới đã có hơn 60 nước tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho nhóm trẻ 5-11 tuổi.
Vaccine tiêm cho trẻ từ 5 tuổi là Pfizer, nhưng hàm lượng kháng nguyên chỉ bằng 1/3 so với nhóm trẻ từ 12 tuổi. Nhân viên y tế sẽ được tập huấn kỹ cách pha vaccine, tiêm...; đồng thời các đội ứng trực cấp cứu sau tiêm sẽ được duy trì để kịp thời xử trí trường hợp có phản ứng.
Đến nay, Việt Nam đã tiêm được 17 triệu liều vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12 tuổi. Trung bình 5 trường hợp trên một triệu liều có phản ứng nặng, phải quay lại cơ sở y tế điều trị.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), cũng nhấn mạnh tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi "hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích hơn là nguy cơ". Đây là xu hướng toàn cầu, nhiều nước đang nghiên cứu tiêm cho trẻ từ 6 tháng; trẻ dưới 5 tuổi. Vì vậy, phụ huynh nên sớm đồng ý tiêm cho trẻ.
"Trẻ là nhóm yếu thế, dễ bị mắc Covid-19. Nếu các cháu được tiêm thì trường học, xã hội sẽ an toàn hơn", ông nói và cảnh báo trẻ không được tiêm vaccine, nếu nhiễm bệnh sẽ để lại nhiều vấn đề về tâm, sinh lý. Nhóm trẻ béo phì, có bệnh lý bẩm sinh, sinh non, thiếu cân... có nguy cơ tử vong cao nếu chưa tiêm.
Mới đây, các nhà khoa học Italy và Anh đã khảo sát 510 trẻ mắc Covid-19, kết quả chỉ 10% trở lại sinh hoạt bình thường sau khi khỏi bệnh. Còn lại, nhiều trẻ bị ảnh hưởng nặng, cảm thấy mệt, khó thở, tinh thần không ổn định.
Bày tỏ "hết sức thông cảm với phụ huynh khi lo lắng các cháu gặp phải biến chứng, sốc phản vệ", nhưng ông Hùng nói CDC Mỹ và châu Âu đã nghiên cứu, đánh giá kỹ trước khi cấp phép vaccine đưa vào sử dụng. Trong 4.000 trẻ tiêm Pfizer tại Mỹ, không có trường hợp nào sốc phản vệ. So sánh với các loại vaccine khác đang tiêm cho trẻ như vaccine dại, viêm não, sởi, quai bị, rubella... thì tỷ lệ gặp phản ứng bất lợi sau tiêm của vaccine Covid-19 xếp thứ 5.
PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng khuyên phụ huynh đồng thuận tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi. Sắp tới, ông mong muốn có vaccine cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi "để hoàn chỉnh bức tranh vaccine cộng đồng".
Trước băn khoăn "trẻ tiêm vaccine liệu có phản ứng lâu dài, ảnh hưởng đến di truyền, sinh sản?", ông Điển phân tích bản chất vaccine là các thành phần RNA thông tin, khi đi vào tế bào sẽ tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là cơ chế khoa học rõ ràng.
Những ảnh hưởng sau khi tiêm từ 7 đến 10 ngày, theo ông Điển, cũng không nên lo ngại. Phụ huynh nên phối hợp với cán bộ, cơ sở y tế để sớm biết những phản ứng sau tiêm của trẻ ở mức thông thường hay tăng nặng.