Nỗi lo về một bong bóng bất động sản như 10 năm trước vừa được giới chuyên gia đề cập tại Diễn đàn với chủ đề "Thị trường bất động sản 2018: Tác động từ chính sách". Ông Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế trung ương thẳng thắn cho rằng, hiện Việt Nam đã có 8 trên 10 dấu hiệu của bong bóng bất động sản.
Theo ông Chung, các dấu hiệu như: giao dịch, giá cả, số lượng các công trình khởi công, địa bàn triển khai tăng, chủ thể tham gia thị trường, quy mô, giá trị dự án, nguồn tiền vào các dự án bất động sản, đều đang tăng, cho thấy nguy cơ về một đợt khủng hoảng.
Ông nhận định chỉ còn 2 dấu hiệu nữa là thị trường sẽ chạm ảnh hưởng vào khủng hoảng 2008-2009 là đầu tư công và nguồn vốn xây dựng nhà đất cũng tăng. Tuy nhiên, theo ông, hai nguồn này đang kéo ngược thị trường bất động sản nên vẫn có thể chưa xảy ra tình huống xấu.
Cũng theo chuyên gia này, kinh nghiệm cho thấy thị trường bất động sản có chu kỳ cứ 10 năm lại quay vòng: phục hồi - tăng trưởng - suy thoái - khủng hoảng.
"Trên thực tế, từ năm 2011-2013, thị trường nằm ở đáy khủng hoảng, 2014 phục hồi, năm 2015 - 2017 đạt mức bắt đầu tăng. Năm 2018 tôi hy vọng không trở lại vòng quay của thị trường", ông nói và cho rằng đây là thời điểm cực kỳ nhạy cảm với các nhà đầu tư trong việc quyết định có nên mua hay không.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng đồng tình với quan điểm này. Ông Hà nhận định, tình trạng sốt đất nền trong những tháng đầu năm tuy chưa lan sang chung cư, nhưng nếu không kiềm chế sẽ gây bong bóng đất nền, tác động xấu tới thị trường như đã xảy ra năm 2008, 2009.
Tại diễn đàn, ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cũng phân tích khá chi tiết về cơn sốt đất diễn ra ở một số khu vực trong những tháng đầu năm 2018.
Với cơn sốt tại vùng ven TP HCM, sân bay Long Thành, theo ông, giới đầu cơ, những người môi giới lợi dụng các thông tin về quy hoạch và các tin đồn để đẩy giá đất lên cao thu lợi bất chính. Những nhà đầu tư thứ cấp cũng theo tâm lý đám đông mua gom, chờ lên giá tạo nên cơn sốt ảo tại các khu vực này.
Ông cũng nhắc tới cơn sốt tại các khu vực được kỳ vọng trở thành đặc khu như Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).
Theo ông, những tháng cuối năm 2017, tại Vân Đồn giá đất một số khu vực tăng 100- 200% chỉ sau vài tháng. Hiện tượng giá đất tăng đột biến khiến người dân có đất tại khu vực chuyển đổi, tách thửa để bán tăng cao. Cùng với đó, hiện tượng đầu cơ, giao dịch, tách thửa phân lô mua bán đất rừng, đất nông nghiệp cũng mạnh.
Tại Vân Phong, sau khi có thông tin thành lập đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong, việc mua bán, sang nhượng đất đai tại khu vực này tăng khiến giá đất lên cao. Tại một số khu vực xuất hiện tình trạng tách thửa để nhận tái định cư khi quy hoạch đặc khu, phá rừng chiếm đất trên đảo trái quy định pháp luật và mua bán đất nông nghiệp không sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Phú Quốc với cảnh xây nhà không phép, san lấp, phân lô bán nền diễn ra trên diện rộng.
"Giới đầu cơ ngang nhiên hoạt động phân lô bán nền, hình thành các khu dân cư tự phát, dựng biển quảng cáo dự án thông tin không đúng sự thật để đẩy giá lên cao, kiếm lời bất chính, môi trường cảnh quan tự nhiên bị tàn phá, quy hoạch bị phá vỡ", ông Phấn mô tả.
Nhận định về tình trạng này, ông Phấn cho rằng chủ yếu do tình trạng đầu cơ đất đai, giới đầu cơ cá nhân tung tin không đúng để trục lợi, thổi giá đất lên cao lợi dụng thông tin chuẩn bị thành lập 3 đặc khu kinh tế. Cùng với đó, theo ông, thời gian này, chính quyền địa phương buông lỏng công tác quản lý sử dụng đất đai...
Nguyễn Hà