Tiến sĩ Nguyễn Cao Luận, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BV. |
"Nói tăng viện phí ở đây thực chất là đa số do bảo hiểm y tế chi trả, còn người bệnh chỉ phải chi trả 20%. Những ai nghèo quá thì các bệnh viện đều có giải pháp miễn giảm", tiến sĩ Nguyễn Cao Luận, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai nói.
Những nước giàu thì họ quy định khoảng 300 USD một lần chạy thận nhân tạo (khoảng gần 7 triệu đồng) còn ở một số nước như Trung Quốc, Lào, Thái Lan... là 1-1,4 triệu đồng. Riêng ở nước ta từ năm 1995 - 2006 mức thu từ 150.000 đến 300.000 đồng, còn từ 2006 đến nay những bệnh viện trực thuộc Trung ương thì thu mức 400.000 đồng.
Giá y tế Việt Nam nói chung và giá chạy thận nhân tạo nói riêng thật ra là chưa có giá. Giá gồm lương, máy móc nhà xưởng, vật liệu tiêu hao... nhưng ở nước ta thực chất Nhà nước vẫn hỗ trợ viện phí. Với chạy thận nhân tạo, giá hiện nay mới có vật liệu tiêu hao - chưa tính nhà xưởng - mà chi phí đã ở mức 690.000 đồng một lần. Trong khi đó, mức thu giờ tăng lên 460.000 đồng, nghĩa là vẫn đang bao cấp.
Theo tôi, cái hay của việc điều chỉnh giá viện phí lần này là đáp ứng tạm thời đủ chi phí để các tỉnh phát triển được. Như Bắc Giang, Nam Định, bệnh nhân nhiều nhưng các bệnh viện này dè dặt, không mở khoa thận nhân tạo vì lỗ. Các tỉnh mà đầu tư phát triển thì sẽ chống được quá tải cho bệnh viện tuyến trên và đỡ tốn kém cho nhân dân.
Hơn nữa viện phí tăng là để kích thích người dân mua bảo hiểm y tế. Những người mắc bệnh mãn tính như thận nhân tạo sống được là nhờ có bảo hiểm y tế. Chưa có một bệnh nhân nào không có bảo hiểm mà lọc máu được đến 5 năm cả.
Tất nhiên với người bệnh, cứ cái gì tăng là sẽ kêu, đấy là tâm lý chung. Nhưng như chạy thận tăng lên 60.000 đồng mỗi lần, nghĩa là với những người phải đóng 5% thì chỉ phải đóng thêm 3.000 đồng một lần, vẫn chấp nhận được.
Người dân nên hiểu, chia sẻ những khó khăn của ngành y tế, đi khám đúng tuyến để được hưởng mức đồng chi trả là 5% và 20%. Đáng lo chính là những người đi làm mà phải chạy thận, với mức đồng chi trả 20% thì trung bình một tháng họ phải đóng thêm 1,7 triệu (cho 13 lần chạy thận). Như thế đồng lương kiếm được đã thấp lại phải đóng đồng chi trả nhiều.
Cũng phải nói, nhiều người hy vọng tăng viện phí thì chất lượng y tế cũng sẽ tăng lên ngay là một điều không thực tế, vì thêm một chút tăng ngay sao được. Nhưng tôi mong tuyến tỉnh phát triển được, đó chính là một biện pháp chống quá tải và cuộc sống của người bệnh được cải thiện do có chỗ chữa bệnh tại nơi sinh sống.
"Nhiều người bệnh cho rằng, đã từ lâu họ đi khám làm gì có mức giá mấy nghìn đồng. Thế nhưng thực tế, mức giá này vẫn tồn tại. Nếu một người có thẻ bảo hiểm đi khám đúng tuyến thì quỹ bảo hiểm sẽ chi trả cho bệnh viện một lần khám là 3.000 đồng", phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: N.P. |
Còn hiện nay mức giá nhiều người bệnh đang phải chi trả khi khám không thẻ bảo hiểm là khám dịch vụ.
Theo tôi, nói tăng viện phí là chưa đúng vì thực tế chúng ta đã tính đúng, tính đủ phí dịch y tế đâu mà nói là tăng. Trước đây, chúng ta chưa thu đồng nào, bao cấp hoàn toàn, sau đó chuyển sang thu một phần viện phí như hiện nay và giờ đang tiến đến thu đủ. Chúng ta thay đổi cách tính viện phí, tính lại chứ không phải tăng.
Cũng vì giá dịch vụ y tế thấp như thế mà các bệnh viện không có tiền tái đầu tư. Trong khi đó ngân sách nhà nước cấp cho bệnh viện ngày càng thu hẹp, Nhà nước giao cho bệnh viện tự chủ một phần viện phí. Điều này đặt họ vào thế bí, không biết lấy tiền đâu ra, nên nghĩ ra một cách khác để bù lại: khám tự nguyện.
Hiện 2 giá này chênh lệch nhau rất nhiều. Lấy ví dụ, tại Bệnh viện Bạch Mai, giá khám một lần thấp nhất cũng đã là 30.000 đồng, chênh lệch đến 10 lần, tự nguyện khám một lần cao nhất, khám giáo sư cũng đã là 150.000 đồng.
Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền vì biết bỏ ra bằng đấy tiền họ để được phục vụ tốt hơn. Giá cả 3.000 đồng một lần thì làm sao khám tốt. Nếu giả sử tôi là người bệnh đi khám, với giá đấy tôi cũng băn khoăn, không nghĩ họ làm tốt dù có thể họ làm tốt thật.
Một chính sách đưa ra sẽ ảnh hưởng đến một vài người nhưng số ảnh hưởng không nhiều bằng nếu cứ để nguyên, cứ để nguyên ảnh hưởng còn sâu sắc hơn.
Ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế). Ảnh: N.P. |
Có 7 yếu tố cấu thành giá viện phí (nếu tính đúng, tính đủ). Trong khi đó, khung giá viện phí mới ban hành theo hướng tính đúng, tính đủ nhưng mới chỉ tính đến 3 yếu tố: thuốc, dịch truyền, máu, vật tư - điện nước, thông tin liên lạc, khử khuẩn, chống nhiễm khuẩn, xử lý môi trường - duy tu, bảo dưỡng thiết bị.
Vì thế, giá viện phí tăng lần này là để bù đắp những chi phí trên. Các chi phí này từ trước đến nay đều được các bệnh viện lấy từ nguồn viện phí trực tiếp và nguồn thu Bảo hiểm y tế y tế để chi trả.
Nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho các bệnh viện về cơ bản chỉ đủ trả tiền lương và phụ cấp cho cán bộ y tế (nhiều bệnh viện còn chưa đủ). Ví như tại, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm ngân sách cấp cho bệnh viện khoảng 30 tỷ, trong khi đó tiền chi trả lương và phụ cấp cho cán bộ y tế của bệnh viện mỗi năm lên tới cả trăm tỷ. Như vậy khoản ngân sách trên chỉ đáp ứng được 7-8% nhu cầu lương cho cán bộ y tế. Do đó bệnh viện phải lấy từ nhiều nguồn khác ngoài ngân sách để chi trả lương cho người lao động.
Với việc điều chỉnh giá lần này, Chính phủ cũng đã chấp thuận với đề nghị của Bộ Y tế nâng mức hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo từ 50% lên 70% từ năm 2012. Còn những người thuộc hộ nghèo thì đã được nhà nước hỗ trợ mua miễn phí thẻ bảo hiểm y tế.
Nam Phương