Ngày 14/6, UBND thành phố Hải Phòng và Viện khảo cổ học Việt Nam tổ chức hội thảo nghe báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khẩn cấp bãi cọc gỗ cổ tại Đầm Thượng, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên.
TS Bùi Văn Hiếu (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho hay bãi cọc gỗ được khai quật từ 19/2 đến 31/3. Các nhà khảo cổ đã đào ao cá nhà ông Đào Văn Đến (khu Đầm Thượng, thôn 11, xã Lại Xuân, nơi gia chủ trong quá trình bơm nước bắt cá đã phát hiện 13 cọc gỗ) và mở rộng diện tích khai quật sang khu vườn hai gia đình hàng xóm của ông Đến.
Tổng diện tích khai quật gần 400 m2, phát lộ 37 cọc gỗ và một số cụm gỗ, mảnh gỗ rời rạc. Cọc được làm từ nhiều loại gỗ, trong đó có sến. Độ dài và kích cỡ các cọc khác nhau, dài nhất 2,87 m, đường kính lớn nhất 32 cm.
Hầu hết cọc có hình dáng tự nhiên, cắm thẳng đứng xuống lớp bùn lầy trong phạm vi rất rộng, cọc lớn và bé cắm xen lẫn; một số còn dấu vết mắt gỗ, bị cong và thường có mộng tròn khoét sơ sài phía dưới. Chân cọc có cái chặt vát bằng rìu, có cái chặt bằng.
Theo tiến sĩ Hiếu, căn cứ vào hình dạng, kích thước cọc gỗ, vị trí chiến lược, án ngữ phía sau nút thắt tạo ra bởi các núi đá trên sông Đá Bạc, sông Kinh Thầy, các nhà khoa học đã nhận định bước đầu "đầm Thượng là bãi cọc chiến trận nhằm ngăn chặn, tiêu diệt chiến thuyền địch".
![Ông Đào Văn Đến và chiếc cọc gỗ phát lộ trong ao nhà. Ảnh: Giang Chinh](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/06/15/84128560-3192333964156699-2685-2614-5834-1592188543.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DvKHuqkAcBpxL909CEja8A)
Ông Đào Văn Đến và chiếc cọc gỗ phát lộ trong ao nhà. Ảnh: Giang Chinh
Tuy nhiên, bãi cọc được đóng từ bao giờ, ai là chủ nhân của bãi cọc là những vấn đề các nhà nghiên cứu lịch sử chưa có câu trả lời thống nhất. Có ý kiến dẫn tài liệu lịch sử cho rằng bãi cọc ở khu vực này liên quan đến trận chiến của Ngô Quyền chống quân Nam Hán. Cũng có ý kiến nhận định bãi cọc Đầm Thượng là một trong những điểm đánh chặn và tiêu diệt đoàn chiến thuyền quân Nguyên Mông trên đường rút chạy năm 1288.
"Các nhận định nêu trên đều chưa có tài liệu chứng minh và chưa được kiểm chứng", TS Bùi Văn Hiếu nói.
Đoàn khảo cổ bãi cọc Đầm Thượng đã kiến nghị cơ quan chức năng cho khai quật mở rộng khu vực có cọc và nghiên cứu, phân tích mẫu gỗ, mẫu đất để xác định niên đại, nhằm làm rõ hơn đặc điểm, chức năng của di tích bãi cọc này. Ngoài ra, Việt Nam cần hợp tác quốc tế nhằm thực hiện các chương trình nghiên cứu chuyên sâu và nghiên cứu so sánh để làm sáng tỏ các giả thiết, câu hỏi đặt ra.
![Viện khảo cổ học Việt Nam khai quật ao cá của gia đình ông Đào Văn Đến ở xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên sau khi chủ nhà tát cá phát lộ 11 cọc gỗ cổ. Ảnh: Giang Chinh](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/06/14/Dam-Thuong-4374-1592152685.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ygDH7jKjtHCuvtu6hs8tbg)
Viện khảo cổ học Việt Nam khai quật ao cá của gia đình ông Đào Văn Đến ở xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Giang Chinh
PGS Nguyễn Đình Lâm, Viện trưởng Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) cho rằng vùng đất Hải Phòng vốn do thủy triều thống trị. Nghĩa là bãi triều ở đây rất rộng và triều lên triều xuống chênh nhau tới 2 m nước. Địa tầng ở bãi cọc Cao Quỳ khác bãi cọc Đầm Thượng. Ở Đầm Thượng dấu tích lau sậy rất nhiều và rất rõ, còn ở Cao Quỳ không như vậy.
Theo PGS Lâm, cần làm rõ lớp trầm tích dày hàng mét bao quanh cọc có trước khi cọc được đóng xuống hay do sa bồi tạo thành? "Để hình thành lớp trầm tích màu xám xanh phải trải qua cả nghìn năm. Do vậy, cần sớm lấy mẫu gỗ của các cọc và mẫu trầm tích để xác định niên đại", PGS Lâm nói.
Một số chuyên gia cho rằng cần mở rộng khảo sát không gian khảo cổ, không chỉ huyện Thủy Nguyên mà cả vùng giáp ranh như Kinh Môn (Hải Dương) và Đông Triều (Quảng Ninh) để xác định cọc gỗ, vùng chiến trường...
Ngày 1/10/2019, một phần bãi cọc nhọn bằng gỗ lim, sến, táu phát lộ dưới lớp bùn tại 3 hố trên cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Cọc được đóng sâu đến 2,5 m, đầu có ngoàm dùng để luồn dây kéo hoặc mộng ở giữa thân. Mỗi cọc có đường kính 20 đến 50 cm, chôn cách nhau 5 đến 7 m.
Cuối năm 2019, khi hay tin bãi cọc gỗ Cao Quỳ phát lộ, ông Đào Văn Đến nhờ người thông tin với các nhà khảo cổ học và chính quyền địa phương về bãi cọc gỗ trong ao nhà thuộc khu Đầm Thượng, cũng thuộc huyện Thủy Nguyên.