Quyết định được ban lãnh đạo Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ thông qua vào ngày 1/5, dựa trên tiêu chuẩn đạo đức công bố hồi tháng 12/2017. Bill Cosby và Roman Polanski là hai nghệ sĩ tiếp theo sau Harvey Weinstein bị đuổi bởi scandal sex.
* Các nạn nhân của Bill Cosby khóc ngoài tòa án
Ngày 26/4, Bill Cosby bị kết tội sử dụng ma túy và tấn công tình dục một nhân viên Đại học Temple (Mỹ) hồi năm 2004. Cosby đối mặt với 10 năm tù cho mỗi tội danh. Trước đó, danh hài sinh năm 1937 bị hơn 60 phụ nữ tố cáo có hành vi không đứng đắn và xâm hại tình dục họ nhiều năm trước.
Roman Polanski bị kết tội ấu dâm năm 1977 ở Mỹ. Ông chuốc rượu và chất kích thích cho Samantha Geimer - một người mẫu 13 tuổi - rồi cưỡng bức cô. Vụ ấu dâm gây chấn động dư luận và Polanski bị tạm giam 42 ngày. Năm 1978, trước tin đồn sắp lãnh án tù 50 năm, ông trốn sang Pháp, bắt đầu quãng đời lưu lạc ở châu Âu cho đến nay. Dù nạn nhân nhiều lần xin kết thúc vụ án, tòa án Mỹ vẫn bác bỏ và yêu cầu dẫn độ Polanski về Mỹ.
Trên Variety, đại diện của Polanski chỉ trích Viện Hàn lâm bởi ra quyết định mà không cho ông cơ hội biện hộ: "Nó đặt ra tiền lệ rất xấu. Thật sai trái khi đuổi một người mà chưa biết rõ hết tình tiết. Ông ấy đã nhận trách nhiệm, xin lỗi nạn nhân và cô ấy đã chấp nhận".
Polanski sinh năm 1933, là đạo diễn gạo cội từng thực hiện những bộ phim vang danh như Rosemary's Baby, Chinatown và The Pianist. Năm 2002, ông giành giải Oscar "Đạo diễn xuất sắc" cho phim The Pianist, nhưng không thể đến Mỹ nhận giải. Polanski là nhân vật gây tranh cãi nhiều năm qua về việc một nghệ sĩ nên được nhìn nhận qua tác phẩm hay cả lối sống ngoài đời.
Làn sóng chống quấy rối và xâm hại tình dục ở Mỹ bắt đầu từ ngày 5/10/2017, khi tờ New York Times đăng các bài viết tố cáo Harvey Weinstein - nhà sản xuất nhiều tác phẩm đoạt Oscar. Phong trào này (được gọi là Me Too, dựa theo một hashtag trên Twitter) phủ bóng các giải thưởng phim ảnh gần đây như Quả Cầu Vàng và Oscar, nơi nhiều nghệ sĩ có các bài phát biểu xúc động và đanh thép. Không dừng lại ở Mỹ, nó lan ra toàn thế giới khiến nhiều nhân vật tên tuổi cũng bị tố cáo.
Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ được thành lập năm 1927 để vinh danh các thành tựu trong điện ảnh. Hiện tại, tổ chức có trên 6.000 hội viên, chia làm 17 nhánh. Hàng năm, các thành viên chọn ra những người thắng giải Oscar. |
Ân Nguyễn