Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Mỹ có khoảng 5.500 vũ khí hạt nhân, trong khi Nga có khoảng 6.000. "Vũ khí hiện đại mạnh gấp 20 đến 30 lần so với những quả bom ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Nếu Mỹ và Nga kích nổ tất cả những gì họ có, đó có thể là một sự kiện kết thúc nền văn minh", Tara Drozdenko, Giám đốc của Liên minh Chương trình an ninh toàn cầu, nói với Insider.
Khi một quả bom hạt nhân phát nổ, nó tạo ra một chớp sáng, một quả cầu lửa màu cam khổng lồ và các sóng xung kích lan rộng. Những người ở tâm vụ nổ (trong vòng nửa dặm đối với quả bom 300 kiloton) có thể bị giết ngay lập tức, trong khi những người ở vùng lân cận có thể bị bỏng độ 3.
Theo một ước tính từ AsapScience, một vụ nổ hạt nhân 1.000 kiloton có thể gây bỏng độ 3 ở cách xa 5 km, bỏng cấp độ 2 cách xa 6 km và bỏng cấp độ 1 cách xa tới 7 km. Những người ở xa 85 km cũng có thể bị mù tạm thời.
Vụ nổ hạt nhân cũng tạo ra mây bụi và các hạt phóng xạ giống như cát phát tán vào khí quyển - được gọi là bụi phóng xạ hạt nhân. Tiếp xúc với bụi này có thể dẫn đến ngộ độc bức xạ, làm hỏng các tế bào của cơ thể và thậm chí là gây tử vong.
Mây bụi có thể cản ánh sáng mặt trời, khiến nhiệt độ giảm đột ngột và rút ngắn mùa sinh trưởng của các loại cây trồng cần thiết. Drozdenko cho biết, sản lượng cây trồng có thể sụt giảm đáng kể trong nhiều thập kỷ, dẫn đến nạn đói ở nhiều nơi.
Nếu một vũ khí hạt nhân 300 kiloton tấn công một thành phố có diện tích bằng thủ đô Washington D.C của Mỹ, rất nhiều cư dân sẽ không thể sống sót. Những người gần đó cũng sẽ phải đối mặt với thương tích nặng nề.
"Một liều lượng phóng xạ gây chết người sẽ bao phủ phần lớn thành phố và một chút ở Virginia. Bức xạ nhiệt, cái nóng, sẽ đi đến các vùng của Maryland, xa hơn một chút là tới Virginia, và tất cả những người trong khu vực đó sẽ bị bỏng độ 3", Drozdenko cho hay.
Các chuyên gia ước tính rằng một quả bom hạt nhân duy nhất có thể giết chết khoảng 300.000 người ở khu vực Washington và làm nhiều người khác bị thương. Tùy thuộc vào số lượng bom rơi và sức công phá của các vụ nổ, số lượng người thiệt mạng có thể lên đến hàng triệu.
"Vũ khí càng lớn thì bán kính thiệt hại càng lớn", Drozdenko nói thêm. Sức công phá của một quả bom hạt nhân cũng phụ thuộc vào cách nó được kích nổ.
Nếu vũ khí tấn công đất liền, vụ nổ sẽ tạo ra nhiều bụi phóng xạ hơn do bụi bẩn và các vật liệu khác bị ném vào bầu khí quyển, nhưng nếu một quốc gia kích nổ quả bom giữa không trung, các sóng xung kích chạm tới mặt đất sẽ bật ra và khuếch đại lẫn nhau, kéo theo sức phá hủy rộng lớn hơn nhiều. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường, "vụ nổ trên không" này cũng có thể đưa vật liệu phóng xạ cao tới 80 km vào bầu khí quyển.
Các quốc gia dựa vào mô phỏng và thử nghiệm vũ khí để dự đoán những tác động này, nhưng rất khó để biết một cuộc tấn công hạt nhân thời hiện đại sẽ diễn ra như thế nào trong đời thực.
"Không có tiền lệ lịch sử nào cho việc này", Drozdenko nói thêm: "Lần duy nhất vũ khí hạt nhân được sử dụng trong một cuộc xung đột là Thế chiến II".
Đoàn Dương (Theo Business Insider)