Hôm nay 17/3, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) sẽ họp qua video conference với 55 liên đoàn thành viên. Tuy nhiên, cuộc họp này cũng chỉ có thể vẽ ra một "đường hướng", hay một "lộ trình", để các thành viên UEFA tự điều chỉnh ở mỗi nền bóng đá của mình. Lý do là ngay lúc này, câu hỏi "khi nào Covid-19 mới chấm dứt?" chưa thể có lời đáp.
Viễn cảnh rõ ràng nhất về mùa giải hiện tại của bóng đá châu Âu 2019-2020 sẽ phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh ở châu lục này. Và vì lẽ đó, như ký giả uy tín người Italy Gabriele Marcotti - chuyên gia bóng đá uy tín của ESPN (Mỹ) - nhận định, tất cả sẽ cùng tìm ra phương án "ít tệ nhất".
Dưới đây là những vấn đề được chờ đợi trong bối cảnh bóng đá châu Âu đang bị tê liệt vì đại dịch.
Cuộc họp UEFA hôm nay quyết định việc gì? Đầu tiên, theo L’Équipe (Pháp), cuộc họp sẽ được triển khai từ lúc 10h hôm nay 17/3, theo giờ Nyon, Thụy Sỹ (tức 15h giờ Hà Nội), khi các thành viên tham dự được gọi video mời họp. Dự kiến, lúc 13h, cuộc họp sẽ đưa ra những thông điệp. Thời gian công bố kết quả có thể sẽ còn muộn hơn. Cuộc họp này sẽ tìm lối ra cho các giải đấu của UEFA, gồm Euro 2020, cùng hai Cup châu Âu : Champions League, Europa League. Theo Marcotti, UEFA sẽ vạch ra lộ trình, từ đó làm căn cứ cho các thành viên dựa vào để tự điều chỉnh giải quốc nội của họ. Vì một giải quốc nội sẽ có tương lai thế nào còn phụ thuộc vào ý chí của các CLB, cũng như phụ thuộc vào đánh giá tình hình và chỉ thị từ chính phủ và cơ quan y tế có trách nhiệm ở từng quốc gia.
Những khả năng nào được đặt ra cho ba giải đấu quan trọng của UEFA trong năm nay và sẽ có những vấn đề gì cần giải quyết? Lúc này, dự đoán của truyền thông châu Âu đều thiên về phương án lùi Euro 2020 sang năm sau, có thể là vào hè 2021. Đây được xem là phương án bật đèn xanh để Champions League, Europa League lẫn các giải VĐQG mùa hiện tại có thể kéo dài thời hạn kết thúc so với thường lệ trong năm nay. Nhưng mỗi giải pháp giờ đây sẽ đi kèm với rất nhiều vấn đề cần giải quyết, và bóng đá châu Âu nói riêng cũng như thế giới nói chung đang tồn tại quá nhiều giải đấu.
Nếu Euro 2020 dời sang hè 2021, các giải đấu khác cũng sẽ phải điều chỉnh thời gian hoặc đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ: Euro 2021 dành cho nữ cũng được tổ chức vào mùa hè, U21 châu Âu diễn ra cùng thời điểm, và còn có cả Final Four (từ bán kết trở đi) của UEFA Nations League. Vòng loại World Cup và cả dự án FIFA Club World Cup 2021 được tổ chức ở Trung Quốc cũng diễn ra vào hè 2021 với 24 đội (trong đó có 8 CLB châu Âu).
Dời những giải đấu như Euro nữ hay U21 châu Âu sang hè 2022 được xem là một phương án, vì thời điểm đó không có giải đấu cấp quốc tế dành cho nam nào quan trọng, còn World Cup 2022 thì diễn ra vào mùa đông. Sắp xếp lại vòng loại World Cup và Nations League cũng không tới mức bất khả thi. Thậm chí, nói như Marcotti, có bỏ Nations League đi thì vẫn được, hoặc tái cơ cấu giải này để vẫn đảm bảo việc chọn ra các đội giành quyền dự Euro.
Khúc mắc lớn được cho là nằm ở FIFA Club World Cup 2021 ở Trung Quốc, khi mối quan hệ giữa FIFA với UEFA không tốt đẹp. Nhưng đây là giải đấu mà dự kiến có sự tham gia của đến 8 CLB châu Âu và giá trị cùng sự thu hút của những đội bóng này ảnh hưởng quan trọng đến cả giải. FIFA và UEFA không phải không có cách để thỏa hiệp. Phương án tổ chức FIFA Club World Cup sớm lại vào đầu năm 2021 có thể được tính đến, bởi đây là giai đoạn phần lớn các giải sẽ nghỉ đông, nhưng nếu thế, các nhà tổ chức sẽ tính đến việc giải vô địch châu Phi (CAN) 2021 cũng diễn ra khi ấy.
Một khi câu chuyện Euro 2020 được giải quyết, hoặc vạch ra được "lộ trình" giải quyết, UEFA sẽ tính đến hướng đi cho Champions League và Europa League. Dời Euro thì sẽ dôi thêm thời gian cho hai Cup châu Âu tiếp tục diễn ra và khép lại mùa giải. Phương án để hai giải Cup này tiếp tục thi đấu gần như là bắt buộc. Nhưng theo L’Équipe và BBC, một số đề xuất hiện tại hướng đến việc rút ngắn các trận đấu từ vòng tứ kết trở đi: thay vì đá hai lượt trận thì chỉ còn một. Địa điểm diễn ra có thể cũng sẽ được tính đến với phương châm di chuyển ít phức tạp nhất có thể. Thậm chí, một phương án tổ chức một giải đấu mini tại hai địa điểm diễn ra trận chung kết là Istanbul (với Champions League) và Gdansk (với Europa League) cũng được cho là đang xem xét.
Các giải VĐQG châu Âu, nhất là năm giải hàng đầu - Ngoại hạng Anh, Bundesliga, La Liga, Serie A và Ligue 1 sẽ như thế nào? Như đã nói, UEFA sẽ khó lòng can thiệp. Bằng việc điều chỉnh lại Euro 2020 cùng Champions League và Europa League, UEFA sẽ mở ra hướng đi và mốc thời gian để các quốc gia thành viên thu xếp giải đấu của họ. Đó chắc chắn sẽ là quả bóng trách nhiệm khó xử lý nhất với các giải quốc nội này. Hủy hẳn kết quả mùa giải quốc nội, rút ngắn giai đoạn còn lại, giữ nguyên kết quả và lấy đó xét thành tích (rồi lại nảy sinh việc không có suất rớt hạng hay phải mở rộng số CLB tham dự cho mùa giải kế tiếp) là những sự lựa chọn hứa hẹn "đầy đau thương" mà các quốc gia phải tự đưa ra. Đó là chưa kể những suất giành quyền tham dự Cup châu Âu mùa tới còn được quyết định thông qua các giải Cup quốc nội (Cup FA, hay Cup Liên đoàn Pháp, Cup Italy, Cup Nhà Vua Tây Ban Nha, Cup Quốc gia Đức...), tương lai của những giải đấu này trong mùa giải 2019-2020 sẽ ra sao?
Trong tất cả khả năng mà giới chuyên môn đang suy nghĩ tới, Marcotti có nói phương án "lấy kết quả hiện tại để quyết định thành tích cả mùa, hay hủy kết quả mùa giải hiện tại là khó xảy ra nhất và điên rồ nhất".
Marcotti có đề cập một phương án với minh họa ở Bỉ, theo đó, một số đội sẽ tham gia một giải đấu mini để quyết định nhà vô địch và hầu hết các suất dự Cup châu Âu mùa tới. Một số đội khác sẽ dự một giải đấu mini nữa để chọn ra các suất dự Cup châu Âu còn khuyết, và giải đấu mini cuối cùng là để quyết định suất rớt hạng. Các giải đấu hạng dưới cũng áp dụng cách tương tự để tìm ra đội vô địch, thăng hạng. Nền tảng để lọc các đội đưa vào từng giải đấu mini sẽ là dựa trên điểm số họ đang có được trên bảng điểm hiện tại. Dẫu vậy, Marcotti cũng tự thừa nhận rằng, đó không phải là giải pháp mỹ miều gì.
Với riêng Ngoại hạng Anh - giải đấu được quan tâm nhất lúc này, đường hướng có thể sẽ là như thế nào? 20 CLB Ngoại hạng Anh sẽ họp vào thứ Năm 19/3 để tìm giải pháp. Nhưng theo tờ The Times, hôm qua, sáu CLB ở Championship (giải hạng Nhất Anh) - gồm Leeds Utd, West Brom, Fulham, Brentford, Nottingham Forest và Preston North End - đã họp khẩn. Đó là sáu đội hiện giữ các vị trí giành suất thăng hạng và đá play-off thăng hạng lên Ngoại hạng Anh mùa tới. Các CLB này "đánh hơi" thấy nguy cơ Championship mùa hiện tại sẽ không có suất lên hạng, nếu phương án hủy kết quả mùa giải hoặc giữ nguyên kết quả hiện tại (đồng thời không gia tăng số đội tham dự mùa tới) ở Ngoại hạng Anh được thông qua. Họ sẵn sàng lao vào cuộc chiến pháp lý sống còn với Ngoại hạng Anh, nếu viễn cảnh đó thành sự thật. Cũng trong hôm nay, 24 đội đang chơi ở Championship cũng sẽ có cuộc họp video với nhau.
Sở dĩ các CLB Championship đang bị "nhột" vì đã có một vài phát ngôn "ích kỷ" từ các quan chức CLB ở Ngoại hạng Anh những ngày qua. Phó chủ tịch West Ham và Giám đốc Thể thao Aston Villa muốn kịch bản: Liverpool vô địch, mùa giải kết thúc và không tính rớt hạng. Giám đốc Điều hành Brighton thì muốn tăng số đội dự Ngoại hạng Anh mùa tới lên 22 đội với suất thăng hạng dành cho Leeds và West Brom. Đáp lại, cố vấn của CLB Preston North End bảo đó là "ý tưởng vô nghĩa nhất tôi từng nghe".
Dù phương án được lựa chọn là gì, sẽ không thể có một phương án nào trọn vẹn cả đôi đường với các giải đấu quốc nội.
Còn có những vấn đề nan giải nào phải giải quyết? Trước tiên là chuyện hợp đồng cầu thủ. Nếu việc lùi lại các giải đấu, hay nói cách khác là gia hạn thời gian diễn ra và kết thúc các giải đấu, bài toán về thời hạn hợp đồng cầu thủ sẽ cần được giải quyết. Hàng loạt cầu thủ ở mọi giải đấu sẽ hết hợp đồng với CLB của họ vào ngày 30/6 tới. Lúc này, lợi ích đội bóng và lợi ích cầu thủ sẽ bị ảnh hưởng, nếu mùa giải kéo dài hơn thông lệ. Không chỉ là chuyện lương thưởng, mà còn là tiền bảo hiểm, hợp đồng quảng cáo sẽ lôi kéo các tay đại diện và giới luật sư tham gia tìm lối thoát.
Trên tờ L’Équipe, đại diện FIFA chỉ nói: "Tình hình đang được chúng tôi phân tích và đánh giá về những tác động tiềm tàng lên mọi mặt của bóng đá. Các thông tin mới nhất sẽ được cập nhật sau". Chủ tịch Hiệp hội cầu thủ nhà nghề (FIFPro), ông Philippe Piat thì nói, cũng trên L’Équipe: "Trong tình hình này, nếu các cầu thủ đồng ý, hợp đồng vốn dĩ kết thúc ngày 30/6 của họ sẽ được gia hạn thêm một mức thời gian và giữ nguyên ưu đãi lương thưởng. Đó là vấn đề không phải không có hướng giải quyết".
Bên cạnh đó, tiền bản quyền truyền hình, chi phí tổ chức các giải đấu cũng là những thiệt hại không thể tránh khỏi. Hầu hết các giải sẽ không muốn hủy bỏ giải đấu, vì điều đó sẽ khiến họ chịu những khoản đền bù khổng lồ. Ngoại hạng Anh là giải đấu có giá trị bản quyền truyền hình cao nhất hiện tại với xấp xỷ 3,7 tỷ USD mỗi năm. Ngoại hạng Anh gần như không thể dừng mùa giải lại.
Marcotti tin rằng UEFA dự kiến sẽ đạt mức doanh thu khoảng 2,25 tỷ USD cho Euro năm nay. Tờ L’Équipe ước tính UEFA sẽ tốn từ 223 đến 330 triệu USD cho chi phí tổ chức lại Euro vào mùa hè năm sau. Nếu phương án dời giải đấu này được tính đến, UEFA có lẽ sẽ không muốn một mình họ gánh khoản chi phí này. Và theo The Athletic, UEFA sẽ muốn khoản tiền bồi thường chừng 330 triệu USD từ các CLB và giải đấu thuộc hệ thống của họ với quyết định dời giải vô địch châu lục sang năm sau.
Chắc chắn sẽ có vô số vấn đề cần được giải quyết, đòi hòi một thời gian dài hơn một cuộc họp vào hôm nay của UEFA, để có thể tìm ra hướng đi. Sẽ không có phương án cuối cùng và hoàn hảo nhất được đưa ra, bởi còn quá nhiều thứ không chắc chắn làm trở ngại. Thứ không chắc chắn nhất là tình hình dịch bệnh đang hoành hành. Tìm ra giải pháp hợp lý nhất, thỏa lòng mọi bên nhất trong tình hình hiện tại có thể sẽ là một giải pháp mang tính xúc phạm. Tất cả vẫn còn đó một cuộc chiến quan trọng hơn, bức thiết hơn phải giải quyết - cuộc chiến chống lại nCoV. Khi đó, bóng đá đành phải ngồi ở ghế sau. Và nói như Carlo Ancelotti, "bóng đá là thứ quan trọng nhất trong những thứ kém quan trọng của cuộc đời".
Hoàng Thông tổng hợp