Đây là chia sẻ mới nhất từ bà Nguyễn Vân Hiền, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII. Theo bà Hiền, việc phổ cập kiến thức, nâng cao nhận thức cho người dân về blockchain và AI, thúc đẩy xây dựng tiêu chuẩn cộng đồng, đạo đức sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng lừa đảo trên không gian mạng, đặc biệt trong lĩnh vực tài sản ảo.
Nguy cơ lợi dụng AI để lừa đảo
Theo bà Hiền, việc lợi dụng AI trong các hoạt động tội phạm đang có dấu hiệu gia tăng nhanh cả về hình thức lẫn sự phức tạp. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng Generative AI (AI tạo sinh) để tạo ra các video giả (deepfake), tài liệu giả mạo có độ chân thực cao nhằm dẫn dụ đầu tư, gọi vốn hay tổ chức các cuộc tấn công mạng tinh vi khiến người dùng nhanh chóng rơi vào bẫy.
Theo báo cáo của công ty An ninh mạng Sumsub, số vụ lừa đảo deepfake trên toàn cầu đã tăng 10 lần trong năm 2023. Về tính chất phức tạp, giới chuyên gia cho cảnh báo deepfake sẽ ngày càng tinh vi và khó phát hiện hơn trong thời gian tới.
AI cũng được sử dụng để tạo ra tạo ra các hồ sơ lừa đảo trên các ứng dụng hẹn hò, mạng xã hội hay các tài liệu giả như hộ chiếu, giấy phép lái xe. Một số dịch vụ, nền tảng tuyên bố sử dụng mạng nơ-ron để tạo ra các tài liệu giả, tính chân thực cao với giá từ vài USD. Ước tính, năm 2023, tình trạng gian lận KYC (xác minh danh tính) đã tăng tới 128% so với năm 2022.
AI cũng bị lạm dụng để tạo ra các video và hình ảnh deepfake nhạy cảm, sử dụng để tống tiền hoặc đe dọa cá nhân. Bà Hiền cho biết ở nước ngoài, nhiều trang trên thị trường darkweb rao bán ảnh của người nổi tiếng với giá chỉ 2 USD.
Trong bối cảnh AI trở thành tâm điểm của giới công nghệ, nhiều kẻ lừa đảo đã tạo ra các token liên quan đến AI và đẩy giá trị lên cao thông qua hoạt động quảng bá rầm rộ. Token này sau đó được bán số lượng lớn để thu lợi, làm giá trị sụt giảm mạnh. Các nhà đầu là người chịu thiệt hại sau cùng.
Các token lừa đảo liên quan đến AI thường sử dụng từ khóa GPT, OpenAI, Bard để cố tình gây sự hiểu nhầm. Theo báo cáo của Elliptic, tính đến tháng 5/2024, có khoảng 7.815 token có sử dụng tên gọi liên quan đến các dự án AI trên nhiều nền tảng blockchain khác nhau, dẫn đầu là BNB Smart Chain.
Công cụ AI còn được sử dụng để thao túng thị trường thông qua các chiêu trò "pump and dump" (bơm xả đột ngột) bằng các bot tự động. Sự xuất hiện tràn lan của các vụ lừa đảo "bot giao dịch AI" khiến Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC) phải đưa ra cảnh báo vào tháng 1/2024.
Các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT cũng có nguy cơ bị lợi dụng do khả năng tạo mã mới hoặc kiểm tra mã hiện có để tìm lỗi với độ chính xác cao. Giới tội phạm tiền ảo lợi tìm kiếm lỗ hổng mã nguồn mở trên các ứng dụng phi tập trung (dApp) hay các giao thức tài chính phi tập trung (DeFi) để đánh cắp hàng tỷ USD. Theo SlashNext, các email giả mạo đã tăng gấp 10 lần từ khi ChatGPT có mặt trên thị trường với văn phong ngày càng giống người thật hơn.
Một công cụ khác là botnet AI, có thể được sử dụng để tự động tạo ra các bài đăng trên mạng xã hội và phân phối đến hàng triệu người dùng. Đơn cử, một nền tảng được phát hiện đã sử dụng ChatGPT để tạo ra hơn 12.000 tweet chứa thông tin sai lệch về tiền mã hóa, nhằm mục đích lừa đảo.
Theo báo cáo thống kê của Cybersecurity Ventures, trong năm 2023, thiệt hại bởi các vụ tấn công mạng toàn cầu lên tới 8.000 tỷ USD, tương đương 8% GDP toàn cầu. Năm 2024, mức thiệt hại từ tấn công mạng được dự báo lên tới 9.500 tỷ USD do sự phát triển của công nghệ quá nhanh so với sự thay đổi của các quy định quản lý.
Phổ cập AI, Blockchain tại Việt Nam để giảm thiểu lừa đảo
Đại diện VBAII cho rằng do tính chất phức tạp của các vụ lừa đảo công nghệ cao, việc phát hiện và ngăn chặn các hoạt động này đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về các hành vi, tâm lý tội phạm, công nghệ AI, blockchain. Các quốc gia cần có lực lượng công vụ đông đảo, năng lực cao, hành lang pháp lý rõ ràng, để quản lý các hành vi này. Giữa các nền kinh tế cũng cần có sự tương trợ và đồng bộ quy định để ngăn ngừa tình trạng phạm tội xuyên biên giới.
Đến giữa năm 2024, châu Âu đã ban hành EU Act điều chỉnh các hành vi liên quan đến nghiên cứu, phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đối với lĩnh vực blockchain, theo báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương, 32/60 quốc gia đã tham gia khảo sát coi tài sản ảo là hợp pháp. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU có quy định cụ thể để quản lý tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP).
Tại Việt Nam, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã tổ chức nhiều hội thảo góp ý xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo, tài sản số, tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi người dùng.
Theo bà Nguyễn Vân Hiền, quá trình phổ cập blockchain, AI tại Việt Nam cần sự tham gia của khối tư nhân. Sự chung tay của các bên sẽ giúp tăng cường sự giám sát của cộng đồng, tự giác thực thi và thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới theo chiều hướng bền vững, tích cực.
Với vai trò là tổ chức tiên phong trong lĩnh vực Blockchain và AI, Viện ABAII đặt mục tiêu phổ cập AI, Blockchain cho một triệu người Việt thông qua các chương trình Unitour, hackathon dành cho khối sinh viên đại học, phổ cập ứng dụng miễn phí "AI tra cứu luật". Đơn vị cũng triển khai hoạt động truy vết các dự án có dấu hiệu lừa đảo trên không gian mạng ChainTracer đồng thời tổ chức các chuỗi hội thảo chuyên sâu về fintech, tài sản thực được token hóa (RWA), tài chính phi tập trung (Defi), mạng xã hội phi tập trung (Socialfi)...
"Các hoạt động này phù hợp với kế hoạch hành động quốc gia nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám trước thời điểm tháng 5/2025", bà Hiền nhấn mạnh.
Hoài Phương