Bệnh nhân còn bị sỏi tụy, bác sĩ chỉ định mổ xử lý viêm tụy và lấy sỏi. Sau mổ, bệnh nhân phải can thiệp dinh dưỡng, tập vận động và nhất là bỏ hẳn rượu, theo tư vấn của bác sĩ.
Ngày 9/5, bác sĩ Nguyễn Thành Khiêm, khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết nghiện rượu là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tụy mạn, chiếm 90% trường hợp. Rượu làm kết tủa và tăng độ nhớt của dịch tiết tuyến tụy, dẫn đến phát triển các nút protein trong những ống dẫn nhỏ của tụy. Từ đó, sỏi hình thành gây viêm và xơ hóa, hủy hoại tế bào tụy ngoại tiết, tế bào hình sao và tế bào biểu mô ống tụy.
Rượu kích hoạt sớm các enzym tiêu hóa khác trong các tế bào tụy, gây viêm tụy. Các nguyên nhân khác như đột biến gene, tắc hẹp ống tụy, tăng triglyceride máu, tăng canxi máu, viêm tụy tự miễn. Một số trường hợp không tìm được nguyên nhân gọi là viêm tụy tự phát.
Viêm tụy mạn là bệnh viêm đặc trưng bởi quá trình phá hủy nhu mô tụy tiến triển không hồi phục. Qua thời gian, nó dần dẫn tới xơ hóa nhu mô tụy, gây suy giảm chức năng tụy nội tiết và ngoại tiết. Tỷ lệ mắc bệnh thay đổi tùy từng nước, như ở châu Âu là 7/100.000 dân, châu Á 14/100.000 dân.
Theo bác sĩ, người có yếu tố nguy cơ là uống rượu với số lượng lớn trong thời gian dài. Các triệu chứng của bệnh thường không đặc hiệu. Đau bụng kéo dài là triệu chứng gây khó chịu nhất. Đau nhiều gây chán ăn, suy dinh dưỡng và giảm cân. Vị trí đau thường ở thượng vị, do đó thường bị nhầm là viêm dạ dày.
Dấu hiệu khác là cơ thể kém hấp thu dinh dưỡng, đi ngoài phân sống và sút cân, thường gặp giai đoạn bệnh tiến triển. Đái tháo đường, nguyên nhân chiếm tỷ lệ 20-28%, là biểu hiện của suy tụy nội tiết.
Bác sĩ Đỗ Văn Minh, khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, cho biết viêm tụy mạn là yếu tố nguy cơ phát triển ung thư tụy. Tỷ lệ ung thư tụy ở bệnh nhân viêm tụy mạn là 1,8-3% sau 10 năm và 4% sau 20 năm. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ ung thư tụy cao gấp 16 lần ở bệnh nhân viêm tụy mạn.
Viêm tụy tái phát nhiều lần dẫn đến viêm mạn tính, làm mất chức năng tế bào, phá hủy tuyến và làm tăng quá trình tân tạo tế bào. Trong đó, tăng số lượng tế bào biểu mô ống tụy là yếu tố quan trọng hình thành ung thư tụy. Người bị ung thư tụy có tiên lượng rất xấu, tỷ lệ sống sau một năm 68%, hai năm gần 47% và 5 năm gần 19%.
"Viêm tụy mạn thường tiến triển âm thầm, phát hiện ở giai đoạn muộn. Vì vậy, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm, nhất là khi có nguy cơ như tiểu đường, kém hấp thu, uống rượu nhiều năm", bác sĩ Minh cảnh báo.
Lê Nga