Không phải tất cả các vi khuẩn khi vào máu đều gây viêm nội tâm mạc mà chỉ những vi khuẩn có khả năng gắn vào nội mạc cơ tim và van tim bị tổn thương mới có thể gây bệnh này.
Bệnh thường hay xảy ra ở những người có bệnh tim trước đó (đã được phát hiện từ trước hay vẫn chưa được phát hiện) và ít gặp hơn ở người không có bệnh tim (chủ yếu là đối tượng tiêm chích ma túy). Các bệnh tim hay dẫn đến viêm nội tâm mạc gồm:
- Tổn thương van tim do thấp tim hoặc do thoái hóa van tim.
- Sa van hai lá.
- Một số bệnh tim bẩm sinh (như thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch...).
- Có phẫu thuật van tim trước đó.
Dấu hiệu điển hình của viêm nội tâm mạc là sốt kéo dài. Người mắc bệnh van tim nếu có sốt kéo dài thì hầu hết trường hợp là viêm nội tâm mạc. Một số các triệu chứng khác là ăn không ngon, giảm cân, đau đầu, đau lưng, đau khớp, khó thở, tai biến mạch máu não. Những dấu hiệu này không đặc hiệu và có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác. Để xác định, cần siêu âm tim và cấy máu.
Nếu không được điều trị, hầu hết bệnh nhân đều tử vong. Nhiều trường hợp đã được cứu chữa nhưng các biến chứng vẫn rất nặng nề. Tổn thương của viêm nội tâm mạc có thể phá hủy van tim, dẫn tới tình trạng suy tim nặng nề, gây khó thở. Những mảnh sùi của van tim có thể bị bung ra, đi khắp cơ thể dẫn tới tắc mạch, hoặc lên não gây tai biến mạch máu não. Chúng cũng có thể đi vào các cơ quan như mắt, thận, gan, lách... và gây tổn thương.
Bệnh nhân viêm nội tâm mạc phải dùng kháng sinh mạnh, kéo dài từ 4 đến 6 tuần. Việc điều trị được coi là có hiệu quả khi người bệnh hết sốt trên 2 tuần. Muốn điều trị tối ưu, phải dùng thuốc dựa vào kháng sinh đồ.
Cần mổ ngay trong các trường hợp: suy tim nặng thêm; tình trạng nhiễm trùng không khống chế được bằng kháng sinh; tổn thương van nặng nề, tổn thương nhiễm khuẩn lan rộng (hình thành nên những áp xe ở tim), huyết khối tái đi tái lại, viêm nội tâm mạc trên van tim nhân tạo.
Phần lớn bệnh nhân qua khỏi tình trạng nhiễm trùng cần được mổ thay van tim bị tổn thương bằng van nhân tạo.
Để phòng viêm nội tâm mạc, những người có yếu tố nguy cơ phải giữ vệ sinh răng miệng tốt. Cần dùng kháng sinh dự phòng trong: các thủ thuật răng miệng gây chảy máu (kể cả lấy cao răng), các thủ thuật tai mũi họng, các ca mổ đường tiêu hóa, tiết niệu hoặc trên mô nhiễm trùng, các ca can thiệp tim mạch như nong van tim, thông tim...
ThS Phạm Như Hùng, Sức Khỏe & Đời Sống