"Viêm gan virus B và C là một vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra xơ gan, ung thư gan và tử vong", bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Vân, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, nói tại Hội nghị khoa học năm 2022 do Bộ Y tế và Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức, ngày 25/11.
Viêm gan do virus có 4 loại, gồm virus viêm gan A, B, C và E. Viêm gan A và E gây nhiễm trùng tiêu hóa cấp, viêm gan virus B và C gây viêm gan mạn tính, dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Trong đó, A, C và E có thể điều trị khỏi, viêm gan virus B chưa có thuốc điều trị, chỉ có thuốc ức chế.
Bà Vân cho biết Việt Nam là một trong số các quốc gia có gánh nặng viêm gan virus cao nhất khu vực Tây Thái Bình Dương. Ước tính nước ta hiện có khoảng 6,6 triệu người mắc viêm gan B và 900.000 người nhiễm viêm gan C mạn tính. Trong khi các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, tỷ lệ này rất thấp nhờ chiến dịch tiêm phòng hàng chục năm qua.
Viêm gan B và C là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan. Một giám sát ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) tại Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2018 cho thấy trong số bệnh nhân mới chẩn đoán HCC thì 66% có viêm gan B và 21% có viêm gan C.
Tại Việt Nam, số ca ung thư gan tăng vọt trong vòng 20 năm qua, vượt ung thư phổi, trở thành bệnh ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất. Tỷ lệ tử vong tương đương số người mắc bệnh. Việc tầm soát ung thư gan tập trung vào nhóm có nguy cơ cao, là những người tiền sử viêm gan B, viêm gan C mạn tính, xơ gan do viêm gan hoặc do sử dụng rượu.
"Xơ gan và ung thư gan tiếp tục tăng nếu không mở rộng nhanh chẩn đoán và điều trị viêm gan B, C", bà Vân nói và cho rằng ngành y tế cần mở rộng chương trình phát hiện, điều trị viêm gan B và C. Đây là
chiến lược ưu tiên để giảm tỷ lệ xơ gan, ung thư gan và tử vong do bệnh gan.
Người viêm gan phải điều trị triệt để, ngăn chặn tiến triển xơ gan và ung thư gan. Trong gia đình, một người mắc viêm gan B, những người còn lại cần đến viện kiểm tra, theo dõi.
Người dân được khuyến cáo thường xuyên kiểm tra sức khỏe, việc xét nghiệm sớm và điều trị
sớm để phát hiện viêm gan B và C. Nếu chưa mắc bệnh, hãy tiêm vaccine và kiểm tra lượng kháng thể viêm gan sau tiêm. Nếu đã mắc bệnh, cần khám định kỳ 6 tháng một lần, tuân thủ đơn điều trị bằng thuốc kháng virus, tầm soát ung thư gan thường xuyên.
Hội nghị khoa học năm 2022 gồm 5 phiên với các chuyên đề về bệnh hiếm, bệnh không lây nhiễm, bệnh lý miễn dịch.
Lê Nga