Thông tin được PGS Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, cho biết tại Hội nghị gan mật toàn quốc lần thứ 17 nhân Kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống Học viện Quân y, ngày 23/12.
Viêm gan do virus có 4 loại, gồm virus viêm gan A, B, C và E. Viêm gan A và E gây nhiễm trùng tiêu hóa cấp, viêm gan virus B và C gây viêm gan mạn tính, dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Trong đó, A, C và E có thể điều trị khỏi, viêm gan virus B chưa có thuốc điều trị, chỉ có thuốc ức chế.
Việt Nam ghi nhận khoảng 20 triệu người nhiễm virus viêm gan B và C. Khoảng 80% bệnh nhân ung thư gan do tiến triển từ viêm gan virus B, khoảng 5% bệnh nhân ung thư gan do virus viêm gan C.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Nguyên nhân do viêm gan B và C chiếm tỷ lệ cao nhất, đặc biệt ở các nước châu Á, châu Phi, trong đó có Việt Nam.
"Nhiễm viêm gan B khoảng 20-30 năm có nguy cơ xơ gan và ung thư gan, sớm hay muộn tùy theo có nhiễm viêm gan C, HIV, uống rượu bia... hay không", PGS Ngọc nói.
Tại Việt Nam, ung thư gan và tử vong do ung thư gan chiếm hàng đầu, vượt ung thư phổi, với trên 25.000 ca mắc mới và tử vong mỗi năm, dù hiện nay tỷ lệ nhiễm đã giảm số với trước. Đa số trường hợp phát hiện ở giai đoạn muộn.
Giáo sư Kwang-Hyub Han, nguyên chủ tịch Hội Gan mật Quốc tế, cho biết thống kê hàng năm thế giới có một triệu ca nhiễm viêm gan B và C mới, 1,1 triệu ca tử vong liên quan đến viêm gan virus. Tỷ lệ mắc viêm gan B vẫn cao ở châu Á. Tổ chức Y tế Thể giới cũng ghi nhận tỷ lệ người mắc viêm gan B, C chưa được chẩn đoán và điều trị trên toàn cầu còn cao.
Các rào cản chính để quản lý ung thư gan liên quan đến viêm gan virus ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là thiếu nhận thức, khả năng tiếp cận và khả năng chi trả. Song, nhiều nước đã vượt qua các rào cản này, quản lý bệnh nhân viêm gan tốt. Như Hàn Quốc là một trong những nước thành công trong việc vượt qua các rào cản để quản lý ung thư gan trong vòng 40 năm bằng việc triển khai các chương trình kiểm soát ung thư và viêm gan virus hợp tác với các tổ chức y tế.
Các chuyên gia khuyến cáo cần điều trị viêm gan B sớm, thậm chí ngay cả trong giai đoạn dung nạp miễn dịch. Ung thư gan liên quan đến viêm gan virrus có thể phòng ngừa được bằng vaccine (dự phòng cấp 1) và liệu pháp kháng virrus (dự phòng cấp 2). Hiện nay TAF vẫn là thuốc được khuyến cáo ưu tiên hàng đầu vì ít tác dụng không mong muốn. Ngoài ra TAF còn được sử dụng phòng lây truyền từ mẹ sang con và điều trị cho trẻ dưới 12 tuổi.
Người dân được khuyến cáo thường xuyên kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm sớm và điều trị sớm để phát hiện viêm gan B và C. Nếu chưa mắc bệnh, hãy tiêm vaccine và kiểm tra lượng kháng thể viêm gan sau tiêm. Nếu đã mắc bệnh, cần khám định kỳ 6 tháng một lần, tuân thủ đơn điều trị bằng thuốc kháng virus, tầm soát ung thư gan thường xuyên.
Tại hội nghị, ngoài viêm gan còn có gần 70 báo cáo của hơn 30 cơ sở y tế trong và ngoài nước về nội ngoại khoa gan mật tụy như xơ gan, ung thư gan, nội soi gan mật tụy, phẫu thuật gan mật tụy, ghép gan,.... Đây là dịp các bác sĩ cập nhật những kiến thức mới để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Lê Nga